Archive

Monthly Archives: February 2013

Ông ngoại mất ngày mùng 4 Tết. Mẹ và cậu mợ chú dì đang ở quê hết cả, hai chị em tôi gọi cho nhau khóc chẳng nói được gì.

Mấy chục năm rồi chúng tôi quen có ông bà ở quê. Bà hay ngồi trong nhà, cái giường của bà thơm thơm, lỉnh kỉnh mấy thứ khăn vấn, kẹp tóc, cái hòm của bà đầy bánh kẹo để dành. Ông lúc nào cũng thấy lúi húi ở vườn, hay xắn quần lội cầu ao, hoặc đạp xe đi phát lương cho các cụ hưu trí. Ông bà gốc nông dân chân chất, suy nghĩ quanh quẩn chỉ con cháu, họ hàng, láng giềng, tiền nong, nhưng ông bà rất thương con cháu theo kiểu của mình. Thằng cháu nội lớn đùng đi ra nắng vẫn bị bà nhắc đội mũ. Bà xuýt xoa thương mẹ tôi vất vả, hay dúi cho vài trăm nghìn mà với người ở quê là to lắm. Ông thì hay kể chuyện ngày xưa, hồi ông đi bộ đội thiếu thốn trăm bề, hồi ông đạp xe chở gạo ra tiếp tế cho mẹ tôi đang học tận Hà Nội. Lần nào về cũng sẽ có một buổi tối tôi ngồi cạnh ông hầu chuyện. Lần nào ông cũng kể về “cái Tùng Cương” nó chế bài thơ: “Con chim nó hót trên cành – Nó kêu vất vả cái ngành giao thông – Nó kêu em bé rất ngoan – Để ông xuống huyện mua giò em ăn”, chuyện “cái Tùng Ngọc” sinh vào giao thừa ở trạm y tế xã, “cái Huyền” cai sữa bố mẹ gửi về cho ông chăm. Mà lần nào nghe cũng thích.

Có điều khi có gia đình rồi, chúng tôi chỉ đi về trong ngày, cứ vội vội vàng vàng, mải lo cho bọn trẻ mà chẳng mấy chốc đã đến lúc lên xe về. Thế là chúng tôi không gần ông như trước nữa. Vậy đấy. Vẫn biết khi yêu ai hãy tận dụng từng giờ bên người đó, mà lấn bấn tôi vẫn quên mất, vẫn quen luôn có ông bà ở đó. Bây giờ tiếc nuối cũng muộn rồi.

Ông cả đời vất vả, việc vườn tược, việc làng xóm, nhất là việc chăm bà tôi sức yếu chỉ quanh quẩn trong nhà. Ông chăm bà từng li từng tí, không nề hà việc gì cả. Đến khi bà mất, ông cũng chưa được nghỉ ngơi mà lại mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh tật đúng là chẳng chừa ai. Ông sống điều độ, khỏe mạnh, tám chục năm luôn chân luôn tay làm việc, thế mà cái bệnh nan y bỗng nhiên lại tới hành ông.

Ông mất. Ngôi nhà không có bóng dáng ông đã khác hẳn. Không còn gọn gàng tinh tươm nữa. Vắng mùi thuốc lào. Vắng tiếng ông quen thuộc. Chỉ còn cái áo khoác màu bộ đội của ông treo cạnh cửa sổ. Không có ông bà, nơi này không còn giống quê ngoại chúng tôi quen về nữa.

Buổi sáng ngày đưa ông đi, trời mưa phùn ướt sân, ướt con đường dài đằng đẵng ra nghĩa trang làng. Mẹ khóc, cậu khóc, dì khóc. Nỗi đau xót lớn nhất đời là khi mồ côi. Cơn mơ sợ hãi nhất thời thơ ấu là không còn thấy cha mẹ ở bên nữa.

Và sợi dây thắm thiết cuối cùng nối tôi với quê ngoại cũng đã ngắt lìa.