Archive

Monthly Archives: September 2017

Sau một giai đoạn ngắn vô cùng bướng bỉnh và hay hờn dỗi khoảng hồi Tết, thì từ mùa hè, anh bạn nhỏ của chúng tôi đã quay trở lại là một cậu bé vui vẻ, tình cảm, quan tâm đến người khác và hay xúc động thương ông bà, thương bố mẹ. Nếu mẹ còn đôi lúc quát con, thì ngược lại con không bao giờ cáu giận mẹ cả, mà sẽ tìm được cách nào đó xoa dịu mẹ. Lúc thì bằng một câu kể duyên dáng bắt đầu một chuyện gì đó, lúc thì bằng cái ôm cái thơm mẹ, lúc thì rơm rớm bảo mẹ đừng cáu con buồn. Lần nào mẹ cũng ân hận vô cùng vì đã cáu một bạn nhỏ đáng yêu đến thế, và giây phút làm lành mới hạnh phúc làm sao. Có một thời gian đến 2-3 tuần liền, anh bạn tối nào cũng loay hoay sắp xếp lại các chai lọ trên bàn vệ sinh cho mẹ, xoay từng thứ thật cẩn thận cho đẹp nhất có thể, rửa cho mẹ cái cốc nhỏ xíu mẹ hay dùng đựng sữa rửa mặt rồi tỉ mẩn lau khô. Tối nào bạn cũng viết lên cánh cửa bồn tắm đầy hơi nước: “Em bé yêu mẹ Cương”, những chữ in hoa viết cầu kỳ kiểu chữ ngày trước, rồi một hình mẹ Cương tóc dài hết bề ngang cánh cửa luôn. Bây giờ con quên mất việc dọn bàn, nhưng vẫn kiên trì tỏ tình với mẹ từng ngày. Con kiên nhẫn giải thích cho mẹ về những trò chơi ưa thích, hay những hình ảnh con tưởng tượng ra, cho đến khi mẹ hiểu mới thôi. Con rủ mẹ nhảy cùng, làm những động tác thật nhí nhố nhưng rất hết mình. Con đang học bài thì gọi mẹ vào rồi dẩu môi lên thơm hai má mẹ. Mẹ hay quên dây buộc tóc khắp nhà, con cứ thấy là lại cầm đến cho mẹ. Có sáng con ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở đi ra phòng khách, nhưng tay đã cầm cái dây buộc tóc đưa mẹ rồi.

Cứ như thế, mỗi ngày của chúng tôi là những phút giây tràn ngập tình yêu. Ngày trước, khi con còn nhỏ xíu, tôi đã không biết được rằng, sẽ có rất nhiều ngày tháng sau này tôi được dựa dẫm vào tình yêu của con với mình, được học từ con sự kiên nhẫn, dịu dàng, tận tụy với những người mình yêu thương.

2017-07-17 19.07.29

Ông nội Sao Nhỏ vừa được về nhà sau gần 2 tháng nằm viện. Nhớ lại đợt vừa rồi tôi vẫn thấy thót tim. Có những ngày, nghe mọi người báo tin từ Hà Nội mà tôi lặng người, nước mắt chảy quanh. Cũng may lần này ông được an toàn. Càng lớn tôi càng thấy một ngày mạnh khỏe của các bố mẹ quý giá biết bao nhiêu.

Bố chồng tôi là một người tháo vát tiêu biểu của thế hệ trước. Ông từng học sỹ quan dù ở Liên Xô, sang Đức lao động xuất khẩu lăn lộn mấy năm, khi về nước thì làm ăn kinh doanh cho đến bây giờ. Ông vừa có sự kỷ luật của quân đội, ăn uống tập luyện rất điều độ, vừa có sự nhanh nhạy khôn khéo khi làm ăn của một tiểu thương, vừa không nề hà việc nhà việc cửa. Ông cũng có các thói xấu của thế hệ cũ, hút thuốc rất nhiều (nhưng khi cháu nội sắp ra đời thì ông đã bỏ thuốc), thích uống rượu đến say xỉn khi vui, hiếu thắng chẳng chịu thua ai.

Từ khi bố tôi mất, tôi chỉ còn nói tiếng gọi “bố” được với ông. Hai ông thật khác nhau, cũng chẳng trò chuyện được với nhau, nhưng dần dần, hơn tám năm nay, ông trở thành một “bố” thật sự và duy nhất còn lại của tôi.  Đặc biệt khi ông là ông nội tuyệt vời của Sao Nhỏ. Hai ông cháu là một đôi bạn thân thắm thiết, yêu thương gắn bó và đùa vui với nhau suốt ngày đêm không chán. Từ lần đầu tiên ông gọi em bé còn nằm trong bụng tôi là “Cái thằng Sao Nhỏ này”, mong đến lúc cháu đủ lớn để ông hãnh diện cho đứng tè trước cửa nhà, đến những ngày Sao Nhỏ còn bé xíu, trưa nào ông cũng về chuyện trò với cháu, đến lúc Sao Nhỏ đi học và chiều về được ông đón, tắm rửa, cho ăn uống. Giữa hai ông cháu có những câu chuyện riêng không ai hiểu được, những trò chơi chỉ có hai người tham gia. Ông dọa Sao Nhỏ biết bao nhiêu lần là lấy cái “roi gia bảo” ra xử lý khi cháu rất hư, nhưng cuối cùng Sao Nhỏ vẫn chưa từng một lần được nếm cái roi đó. Ông thương cháu và tận tụy chăm sóc cháu vô bờ bến. Tình yêu của ông với Sao Nhỏ là một trong những tình yêu vĩ đại tôi được chứng kiến trong đời.

Hy vọng ông sẽ hồi phục sớm. Để Noel này Sao Nhỏ lại ra bám đuôi ông bà. Để tết này lại thấy ông thắp hương cúng giao thừa, thấy dáng lưng cao gầy của ông đang ngồi trước ti vi xem chương trình tất niên, rồi cả nhà lại cùng nhau nâng ly đón năm mới. Để tôi được gọi “bố” thật lâu hơn nữa.