Họ đang ăn sáng chuẩn bị cho một show diễn tại một đền thờ cổ. Những tướng quân và nương nương tranh thủ vừa trang điểm vừa ăn mỳ. Mũ miện đội vào rồi, nhưng có khi trang phục ở dưới vẫn là quần áo đời thường.
Tôi nhìn thấy một chị hơi lớn tuổi, đội mũ miện nương nương, mặc quần áo lửng. Nhìn chị hơi phốp pháp, đơn giản như một bà nội trợ có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố, trong một khu chợ bất kỳ. Chị đã xong bữa sáng và đứng lên khởi động. Và khi chị đưa tay lên, nghiêng người trong một động tác nào đó, hát một câu thoại cổ, bỗng nhiên không khí xung quanh chị khác hẳn. Động tác sân khấu đó hẳn chị đã thuộc làu, đó là một cử chỉ kiêu hãnh, cao quý của một nhân vật quyền uy và đẹp đẽ xa xưa. Những đồ đạc lộn xộn xung quanh chị như không còn nữa, và mũ miện như được sinh ra dành cho mái đầu chị. Quanh chị vụt sáng lên thứ ánh sáng của nghệ thuật. Chị không còn là một bà nội trợ, một phụ nữ trung niên bình thường, mà là một nghệ sỹ trong vở diễn của mình.
Ở một khu khác, có 2 cô gái đang ngồi trang điểm cùng nhau. Một cô quay lưng lại tôi không thấy mặt. Còn đây là gương mặt cô còn lại. Cô có đôi mắt dài, cái miệng với khóe môi cong rất đẹp. Mọi người cứ chụp ảnh, còn các cô cứ bình thản thoa phấn, bôi son. Và tôi cũng thấy cô thật hợp với cái mũ miện và bộ váy áo rực rỡ này.
Người ta cứ dùng từ “phường chèo” như một cách nói hơi coi thường, nhưng nghệ sỹ dù hàn lâm hay bình dân vẫn là nghệ sỹ. Có lẽ đã theo nghiệp này, trong người họ chảy một dòng máu khác khiến họ khác biệt với người thường.