Archive

Gia đình

Một người bạn của tôi mới mất bố. Một trong những điều bạn ấy nhớ về bố mình là được bố chở đi bằng chiếc xe đạp từ lúc còn là học sinh, đến khi đi học đại học và đi làm. Bạn có kể với tôi như thế, lâu rồi, lúc 2 đứa cùng học cao học hoặc cùng làm với nhau, tôi không nhớ chắc.

Nhưng trong bao nhiêu câu chuyện kể, thì câu chuyện ấy lập tức in sâu vào đầu tôi. Bởi tôi cũng biết hạnh phúc ngồi sau lưng bố là thế nào.

Tôi đi học cấp 1, 2, 3 gần nhà nên đều tự đi bộ, hoặc lên cấp 3 thì đạp xe. Lúc được bố đạp xe chở đi là hồi nhỏ xíu và sau này khi đi thi đại học. Bố chở tôi đi thi bằng chiếc Cub 82 phân khối nhỏ. Kỳ thi đại học diễn ra vào giữa mùa hè, nắng chang chang. Mỗi buổi thi bố đều đợi tôi ở cổng trường, như bao ông bố bà mẹ khác. Không biết bố nghĩ gì lúc đấy nhỉ, không biết bố uống nước ở đâu, bố đỗ xe chỗ nào. 

Khi đã đỗ đại học rồi, thì bố chở tôi mấy lần đến trường để mua dụng cụ học tập, lúc đầu không biết thì đến trường Kiến trúc vốn bán đắt hơn, sau thì thường xuyên tới cái ngõ nổi tiếng bán đồ dùng giá tốt cho sinh viên cạnh trường Xây dựng. Lần chở nặng nhất là mua cái bàn kính vẽ kỹ thuật, tôi ngồi sau ôm cái bàn đặt giữa hai bố con, gió to cứ đẩy đẩy cái mặt bàn. 

Thời cấp 3 – là lúc bố mẹ mua được xe máy, thì có lúc bố đưa tôi đi mua giày. Tôi thích một đôi giày thể thao, hàng Thượng Đình thôi nhưng lúc đó với tôi nó là một đôi giày rất lộng lẫy. Tôi thích mà ngần ngừ không dám nói. Thế là bố chiều và mua cho tôi. Cũng giống như cái bút Rotring ngòi 0.01 là loại đắt nhất, nhưng bố nghĩ tôi phải có đủ bộ bút vẽ kỹ thuật, nên bố cũng mua. 

Sau này, khi bố ốm mệt rồi, thì tôi lại đưa bố đi bằng chiếc Cub 82 đó. 

Những ngày gần đây, có một câu chuyện sóng gió về một người bố – một người bạn FB của tôi, vốn hoàn hảo trước công chúng nhưng hóa ra đã để lại cho những người con những tuổi thơ tan nát. Tôi cũng nghĩ ngợi lấn cấn về chuyện đó mất mấy ngày. Nghĩ về những người bố, người con.

Hồi nhỏ tôi không nhận thức được mình may mắn ra sao. Nhưng khi lớn lên nhìn lại, thì bố mẹ đã cho chúng tôi một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, với niềm tin tưởng luôn có bố mẹ ở bên cạnh che chở. Có những lúc không vui, tôi vẫn nhớ chứ, lúc tôi giận dỗi, không bằng lòng vì những thiếu thốn không được như ý, nhưng những ký ức đó nằm yên nhỏ xíu, so với những niềm hạnh phúc như được ngồi sau lưng bố, được bố đưa đi chỗ này chỗ nọ, rồi hai bố con về nhà khi chiều tới.

Những ngày cuối năm 2020, nhà Gió đổ bộ vào SG. 2 ngày đầu Gió sợ Bisou, không dám đến gần, thỉnh thoảng lắm mới vuốt “chị”. Đến tối qua bác Cương đi làm về, thì đã có một diễn biến nhỏ trong vòng hai phút. Như thế này. Bisou đang ở dưới gầm bàn ăn. Bác Cương chui vào ôm Bisou vào lòng. Gió cũng chui vào theo, ngồi gần Bisou. Hai chị em nhìn nhau và Bisou thơm Gió, thơm mấy cái liền. Gió không sợ gì nữa. Sau đó Gió lùi mông chui ra, vừa ra vừa nhận xét: “Bisou đáng yêu thật!”

Vậy là đôi bạn buổi tối trước ngày chia tay cũng kịp kết thân với nhau. Những tâm hồn trong trẻo nhất thế giới gặp nhau.

Nếu cần chọn ra, thì hai phút dưới gầm bàn đó là khoảnh khắc trong lành nhất trong những ngày cuối năm của bác Cương.

Ảnh bốn anh em tối đầu tiên gặp nhau đầy đủ.

Năm nay đã hết cấp 1, lên cấp 2, nhưng Sao Nhỏ nhất định là các trẻ em học cấp 2 vẫn được Ông già Noel tặng quà cho đến lớp 8 (không biết thông tin này từ đâu ra). Để tránh việc con tự phát hiện ra vì chắc là nhiều bạn bè của con biết rồi, bố mẹ quyết định nói với con rằng Ông già Noel không có thật, tất cả những món quà xuất hiện một cách thần kỳ trong những năm qua đều là từ bố mẹ.

Sau phút ngạc nhiên ban đầu, anh bạn hỏi lại chi tiết các Noel, thấy bố mẹ giải thích được hết, thì anh bạn chấp nhận sự thật và phản ứng của anh làm bố mẹ bất ngờ, đó là… lăn ra cười vì thấy mình đã bị “lừa” một cách có tổ chức. Con nhớ lại mẹ cứ giục con nghĩ quà nhanh lên, trước tháng 11 kẻo Ông không kịp sản xuất, hóa ra là vì mẹ sợ ship ko kịp, và con lại cười nắc nẻ. Hóa ra bạn MQ nói đúng vì bạn đã thấy món quà được giấu ở trong nhà vệ sinh. Hóa ra thế này và thế kia.

Mẹ hơi lo lo con sẽ buồn. Nhưng không, cậu bé vui vẻ chỉ nhìn ra những thứ buồn cười trong câu chuyện này. Và cả bố mẹ và con cùng ngồi ôn lại những mùa Noel trước, con viết thư, rồi sáng sáng ngủ dậy chạy ra ngóng thư  trả lời xuất hiện trên cửa sổ, rồi năm nào con cũng thức chờ gặp ông mà đều bị ngủ mất. Những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của con và của cả nhà mình.

Sau cùng, anh bạn kết luận ngắn gọn và khúc triết: “Childhood ruined”. Làm bố mẹ cũng buồn cười.

Vậy là trong nhà chỉ còn em Bisou tin vào Ông già Noel.

Tháng này có sinh nhật bố yêu quý của chúng tôi. Ngày xưa là trong nhà sẽ có hoa cúc vàng và kem caramel. Năm nào cũng thế, trong mỗi sinh nhật của bố, mẹ, của chị, của em. Màu vàng hiền lành vui vẻ ấy, và mùi thơm của trứng, sữa, đường thắng, theo tôi mãi đến bây giờ không phai.

Mọi ký ức về bố vẫn hết sức rõ ràng với tôi. Nét mặt, dáng người, đôi mắt đẹp của bố, mái tóc gợn sóng tự nhiên, giọng nói, mùi thơm, hơi ấm, vẻ thanh nhã và trầm tĩnh, … hết thảy tôi đều không quên.  Vui nhất là lúc bố bày những trò nghịch ngợm, hát chế, đọc thơ xuyên tạc, giơ hai cánh tay gầy gò lên làm bộ cơ bắp, cự nự với mẹ về việc có phải rửa chân trước khi đi ngủ hay không. Chúng tôi đã có những buổi chiều, buổi sáng, những tối mùa hè mất điện thật hạnh phúc. Không biết làm sao tôi lại nhớ được có lần bố đèo tôi bằng xe đạp từ Hà Nội về Hải Phòng. Đường vắng, nắng chang chang. Bố hái cho tôi một cái lá sen, và cô bé tôi cầm cái ô xanh mát đó ngồi sau lưng bố. Tôi còn nhớ mùa hè trước khi vào lớp Một, tôi về ở với ông bà ngoại gần 4 tháng. Ngày bố về đón, giọng bố vang lên giữa mọi người rất thanh, rất hay. Tôi nhớ y nguyên cái cặp màu nâu hơi vuông bố mua cho để bắt đầu đi học. Nhớ bố ngồi cạnh tôi trong buổi khai giảng đầu tiên. Những buổi bố dắt đi mua sách làm phần thưởng cuối năm. Nhớ bố đèo tôi bằng cái xe 82 đi thi đại học.

Và luôn luôn ở trong trí nhớ của tôi, tách rời với những hạnh phúc đó, và luôn làm tôi không hiểu vì sao nó lại diễn ra, là những năm cuối cùng, tôi nhớ tóc bố bạc trắng, bố cắn răng chịu đựng cơn đau từng giờ, và bàn tay bố mất dần hơi ấm ra sao.

Khi có con rồi, tôi càng nhớ bố. Đôi lúc nhìn con, nhận ra con lớn lên, đánh dấu những mốc trưởng thành của con, tôi lại nhớ những dấu mốc đó của chính mình, luôn có hình ảnh bố và mẹ bên cạnh. Nếu con trai tôi còn ông ngoại, con sẽ thích ông lắm, vì ông rất giỏi chơi với trẻ con và chó mèo. Bây giờ thỉnh thoảng kể chuyện của ông cho con nghe, con rất vui, cười rúc rích.

Hơn mười một năm rồi nhưng tôi vẫn mơ thấy bố. Trong những giấc mơ đó, tôi luôn thấy bố còn mạnh khỏe, cười nụ cười hóm hỉnh quen thuộc, trong ngôi nhà thơ bé quen thuộc của chúng tôi. Thậm chí tôi còn được nghe thấy tiếng bố, vẫn giọng nói trầm ấm ngày trước. Tháng Hai không có bố nữa, nhưng tôi biết mình vẫn có thể may mắn gặp lại bố một lúc nào đó, tóc còn muối tiêu, thật vui vẻ và khỏe mạnh.

Sau một giai đoạn ngắn vô cùng bướng bỉnh và hay hờn dỗi khoảng hồi Tết, thì từ mùa hè, anh bạn nhỏ của chúng tôi đã quay trở lại là một cậu bé vui vẻ, tình cảm, quan tâm đến người khác và hay xúc động thương ông bà, thương bố mẹ. Nếu mẹ còn đôi lúc quát con, thì ngược lại con không bao giờ cáu giận mẹ cả, mà sẽ tìm được cách nào đó xoa dịu mẹ. Lúc thì bằng một câu kể duyên dáng bắt đầu một chuyện gì đó, lúc thì bằng cái ôm cái thơm mẹ, lúc thì rơm rớm bảo mẹ đừng cáu con buồn. Lần nào mẹ cũng ân hận vô cùng vì đã cáu một bạn nhỏ đáng yêu đến thế, và giây phút làm lành mới hạnh phúc làm sao. Có một thời gian đến 2-3 tuần liền, anh bạn tối nào cũng loay hoay sắp xếp lại các chai lọ trên bàn vệ sinh cho mẹ, xoay từng thứ thật cẩn thận cho đẹp nhất có thể, rửa cho mẹ cái cốc nhỏ xíu mẹ hay dùng đựng sữa rửa mặt rồi tỉ mẩn lau khô. Tối nào bạn cũng viết lên cánh cửa bồn tắm đầy hơi nước: “Em bé yêu mẹ Cương”, những chữ in hoa viết cầu kỳ kiểu chữ ngày trước, rồi một hình mẹ Cương tóc dài hết bề ngang cánh cửa luôn. Bây giờ con quên mất việc dọn bàn, nhưng vẫn kiên trì tỏ tình với mẹ từng ngày. Con kiên nhẫn giải thích cho mẹ về những trò chơi ưa thích, hay những hình ảnh con tưởng tượng ra, cho đến khi mẹ hiểu mới thôi. Con rủ mẹ nhảy cùng, làm những động tác thật nhí nhố nhưng rất hết mình. Con đang học bài thì gọi mẹ vào rồi dẩu môi lên thơm hai má mẹ. Mẹ hay quên dây buộc tóc khắp nhà, con cứ thấy là lại cầm đến cho mẹ. Có sáng con ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở đi ra phòng khách, nhưng tay đã cầm cái dây buộc tóc đưa mẹ rồi.

Cứ như thế, mỗi ngày của chúng tôi là những phút giây tràn ngập tình yêu. Ngày trước, khi con còn nhỏ xíu, tôi đã không biết được rằng, sẽ có rất nhiều ngày tháng sau này tôi được dựa dẫm vào tình yêu của con với mình, được học từ con sự kiên nhẫn, dịu dàng, tận tụy với những người mình yêu thương.

2017-07-17 19.07.29

Ông nội Sao Nhỏ vừa được về nhà sau gần 2 tháng nằm viện. Nhớ lại đợt vừa rồi tôi vẫn thấy thót tim. Có những ngày, nghe mọi người báo tin từ Hà Nội mà tôi lặng người, nước mắt chảy quanh. Cũng may lần này ông được an toàn. Càng lớn tôi càng thấy một ngày mạnh khỏe của các bố mẹ quý giá biết bao nhiêu.

Bố chồng tôi là một người tháo vát tiêu biểu của thế hệ trước. Ông từng học sỹ quan dù ở Liên Xô, sang Đức lao động xuất khẩu lăn lộn mấy năm, khi về nước thì làm ăn kinh doanh cho đến bây giờ. Ông vừa có sự kỷ luật của quân đội, ăn uống tập luyện rất điều độ, vừa có sự nhanh nhạy khôn khéo khi làm ăn của một tiểu thương, vừa không nề hà việc nhà việc cửa. Ông cũng có các thói xấu của thế hệ cũ, hút thuốc rất nhiều (nhưng khi cháu nội sắp ra đời thì ông đã bỏ thuốc), thích uống rượu đến say xỉn khi vui, hiếu thắng chẳng chịu thua ai.

Từ khi bố tôi mất, tôi chỉ còn nói tiếng gọi “bố” được với ông. Hai ông thật khác nhau, cũng chẳng trò chuyện được với nhau, nhưng dần dần, hơn tám năm nay, ông trở thành một “bố” thật sự và duy nhất còn lại của tôi.  Đặc biệt khi ông là ông nội tuyệt vời của Sao Nhỏ. Hai ông cháu là một đôi bạn thân thắm thiết, yêu thương gắn bó và đùa vui với nhau suốt ngày đêm không chán. Từ lần đầu tiên ông gọi em bé còn nằm trong bụng tôi là “Cái thằng Sao Nhỏ này”, mong đến lúc cháu đủ lớn để ông hãnh diện cho đứng tè trước cửa nhà, đến những ngày Sao Nhỏ còn bé xíu, trưa nào ông cũng về chuyện trò với cháu, đến lúc Sao Nhỏ đi học và chiều về được ông đón, tắm rửa, cho ăn uống. Giữa hai ông cháu có những câu chuyện riêng không ai hiểu được, những trò chơi chỉ có hai người tham gia. Ông dọa Sao Nhỏ biết bao nhiêu lần là lấy cái “roi gia bảo” ra xử lý khi cháu rất hư, nhưng cuối cùng Sao Nhỏ vẫn chưa từng một lần được nếm cái roi đó. Ông thương cháu và tận tụy chăm sóc cháu vô bờ bến. Tình yêu của ông với Sao Nhỏ là một trong những tình yêu vĩ đại tôi được chứng kiến trong đời.

Hy vọng ông sẽ hồi phục sớm. Để Noel này Sao Nhỏ lại ra bám đuôi ông bà. Để tết này lại thấy ông thắp hương cúng giao thừa, thấy dáng lưng cao gầy của ông đang ngồi trước ti vi xem chương trình tất niên, rồi cả nhà lại cùng nhau nâng ly đón năm mới. Để tôi được gọi “bố” thật lâu hơn nữa.

Nàng tiên bé nhỏ này, đang ở trong Sài Gòn chơi với tôi.

Không như hồi bé xíu, khi mà mất cả buổi tôi mới thơm được nàng, lần này nàng lập tức nhớ ra bác là ai và nắm lấy gấu áo bác khi xuống sân chơi. Bác Cương giống như một đồ chơi mới biết nói biết chơi của nàng, nàng tò mò, quan tâm,  thích ở bên bác để kể luyên thuyên đủ chuyện cho bác nghe. Nàng biểu diễn những tiết mục nàng biết cho bác xem, làm con hổ, con lợn (!!!) dọa bác. Sáng dậy nàng theo đuôi bác lúc bác rửa mặt, đánh răng, bôi kem, chọn đồ đi làm, và hỏi về tất cả các thứ liên quan xem nàng có thể dùng thử gì không. Như các bạn nhỏ khác, nàng hay lén quan sát bác bằng đôi mắt linh lợi của nàng, và chạy té đi nếu bác biết và đuổi theo nàng.

Mấy tháng không gặp, nàng đã lớn hơn nhiều. Vốn từ của nàng đã tăng lên đáng kể. Mặc dù vẫn tự do đảo chủ ngữ vị ngữ trong một câu nhưng nàng nói thật dài và thật nhiều từ ý nghĩa. Những câu chuyện của nàng có thêm bao nhiêu nhân vật hấp dẫn mà bác không biết.

Nàng cũng bớt khóc nhè. 2 ngày qua rồi mà bác không thấy nàng khóc, thật là một kỷ lục vì ngày xưa bác gặp nàng, mỗi ngày nàng mè nheo ba bốn bận. Nàng hứa hẹn: “Hachi bỏ cái khóc nhè đấy rồi”. Bây giờ bác thấy Hachi thật ngoan, lúc nào cũng hết sức vui vẻ, cái chân thoăn thoắt, cái miệng luôn tủm tỉm cười, và luôn nhiệt thành tìm cách bày tỏ tình cảm với mọi người.

Sáng nay lúc bác chuẩn bị đi làm, Hachi quanh quẩn trong phòng với bác. Nàng tâm sự: “Hà Nội Hachi không thích về nữa, Hachi thích ở đây với bác Cương”. Nàng cúi xuống thơm chân bác. Nàng thật không biết, trái tim bác Cương của nàng mềm yếu ra sao.

IMG_0491

Mẹ nhắn tin: “Con còn nhớ không, dịp này cách đây hơn hai mươi năm, ba mẹ con mình (và cả HA nữa) đang lo thót tim sợ trời mưa hạt bưởi không khô và không nhìn thấy Trăng rằm”.

Ôi mẹ của con.

Trung thu với mẹ vẫn là một dịp quan trọng. Mẹ nhắc con tìm quà cho cháu. Mẹ thấy con hoãn đi công tác thì bảo, thế cũng được, con có thể đón Trung thu cùng bọn trẻ. Mẹ bảo bọn trẻ con bây giờ giàu đồ chơi hơn các con ngày xưa rất nhiều, nhưng cũng nghèo hơn nhiều.

Thế mà đối với con, ngày trăng rằm giữa mùa thu không còn là dịp để háo hức mong chờ. Hơn hai mươi năm từ lần cuối cùng đốt hạt bưởi trên sân thượng. Cái sân thượng của căn nhà ba tầng thôi, nhưng cũng có đủ ánh sao ánh trăng, vì chưa nhiều đèn điện, chưa có tiếng điều hòa chạy rầm rì, chưa bị che lấp bầu trời bởi những tum nhà bốn năm tầng xung quanh. Ánh sáng nhỏ và ấm từ cái xâu hạt bưởi ấy, và mùi thơm của hạt bưởi cháy, là niềm vui được tận hưởng sau bao ngày gom góp, bóc hạt, xâu hạt và phơi khô. Nhất định phải là đêm Trung thu. Nhất định phải có phá cỗ với bánh dẻo con cá và hồng ngâm, bưởi đào. Rồi kết thúc bằng “nghi lễ” đốt hạt bưởi.

Những mùa Trung thu thơ bé xa quá đi thôi.

Nếu mẹ không nhắn tin, con sẽ không biết mẹ vẫn nhớ Trung thu đến thế. Như mọi dịp khác trong quyển lịch bỏ túi nhỏ xíu của mẹ, sinh nhật bố, sinh nhật các con, ngày kỷ niệm của cả nhà, mùng 1 tháng 6, Trung thu, sinh nhật em Bim. Vốn là những ngày xa xưa, gia đình nhỏ xíu của mình ngồi vui bên nhau. Bây giờ có thêm sinh nhật các cháu trong quyển lịch ấy. Từng ngày nối nhau, ngày nào cũng quan trọng như nhau đối với mẹ, đánh dấu một năm trong đời mẹ.

Chiều nay đi làm về, con sẽ tìm một cái trống nhỏ cho cháu, để tối mai cháu mang lên trường gõ tum tum với các bạn. Để cháu thật vui với ngày hội mùa thu của trẻ con.

Chưa đầy hai tháng nữa là con tròn 7 tuổi, và chuẩn bị lên lớp 2. Không nhớ từ đâu, mẹ có một cái mốc là khi 8 tuổi, con sẽ lớn hẳn và không còn bám mẹ nữa. Mẹ tự nhẩm là còn một năm nữa để nghe con nói là con yêu mẹ nhất, yêu bằng nghìn tỷ tỷ tỷ, rất nhiều tỷ vũ trụ, để con thỉnh thoảng bất chợt ôm chầm lấy mẹ, thơm mẹ, để con thích nhất là chơi cùng mẹ mấy trò domino, pokemon, lego, để con nhắc mẹ kể chuyện trước khi đi ngủ. Bao nhiêu là hạnh phúc mà mẹ nhận được khi mẹ là người con yêu nhất.

Bây giờ con đã có bóng dáng một thiếu niên rồi. Con có thể thoắt một cái hào hứng kéo va li sang nhà bà ngoại ở cả tuần, hay ở lại nhà cậu bạn thân mấy tối liền mà không cần ỏ ê đến bố mẹ. Con hay lí luận, và phàn nàn nếu mẹ hay quên, hay mẹ nói điều gì chưa hợp lý. Khi bố mẹ đến lớp con chơi, con không còn vẻ ngại ngùng mà hạnh phúc như hồi bé, mà sẽ là biểu diễn những trò chơi hàng ngày rất tự nhiên với các bạn, thỉnh thoảng nhìn xem bố mẹ có thấy các con nghịch như thế nào không thôi. Biết đọc sách rồi, nên con có thú giải trí mới là đọc mê mải, bao lâu cũng được. Con hay hỏi những vấn đề phức tạp hơn. Tình yêu của con cho mẹ cũng không tuyệt đối nữa, mà lúc con giận, thì con sẽ không thấy yêu mẹ nữa.

Nhưng con vẫn là một bạn bé, với hai cái má vẫn còn nét phinh phính. Con ham chơi, không thích học. Con vẫn trò chuyện với em Ross hàng ngày, mong chờ tới Noel để được ông già Noel tặng quà. Con bám lưng bố và chơi những trò nhí nhố khi đi bơi. Và rất buồn là con chưa biết nhường em, rất hung hăng ích kỷ với các em nhỏ, điểm này mẹ chưa nghĩ ra cách xử lý nào thỏa đáng.

Sắp 7 tuổi, hết lớp 1, đang nghỉ hè. Con đang ở thời gian vui vẻ nhất trong năm. Còn mẹ thì cứ nghĩ mãi về việc con sẽ hoàn toàn không là một em bé nữa, và việc phải tận hưởng từng ngày một trước khi con kịp lớn hẳn lên.

Hôm nay là lần đầu tiên tôi nhìn thấy tờ giấy này, giấy khai sinh của bố. Tờ giấy được làm vào năm 1950, bố tôi lúc đó mới là một cậu bé mười mấy tuổi.

Không hiểu làm thế nào mà qua bao nhiêu năm tháng, tờ giấy vẫn không quá ngả màu, vẫn giữ màu trắng ngà, thậm chí còn dày đẹp hơn giấy khai sinh bản gốc của chính tôi, vốn bây giờ đã đen xì và rách viền như phần lớn những giấy tờ thời bao cấp.

Ông nội tôi, người tôi không biết mặt, khi đó 38 tuổi, nghề nghiệp ghi: Làm công nhà buôn. Bà nội là nội trợ. Nơi ông bà ở – số 24 Hàng Rươi tôi cũng nghe lần đầu tiên.

Đại gia đình bên nội, với ông bà và hơn mười người con, chỉ lưu lại trong tôi bằng hình ảnh phai mờ từ một tấm ảnh gia đình đen trắng đã thất lạc. Bố tôi còn nhỏ, mặc đồ trắng và đứng ngoài cùng.

Nhìn tờ giấy khai sinh này mới thấy những thế hệ đã trôi qua. Đời người bao tháng năm dài đằng đẵng rồi cũng khép lại. Những gì của cuộc sống xưa cũ ấy bố giữ lại được là mấy món ăn rất ngon từ bà nội, vốn từ tiếng Pháp rơi rụng lại từ thuở đi học của bố mà bố từng đem dạy cho tôi, những mẩu chuyện về kỵ tôi đã từng là nghĩa quân Yên Thế, về ông nội bà nội, về những anh trai em gái của bố.  Với tôi như thế quá ít để hình dung được về thế hệ ấy, có lẽ đến các con tôi, cháu tôi, đó sẽ trở thành những câu chuyện rêu phong, những tiếng vang vọng mờ nhạt từ miền nào thăm thẳm, sợi tơ máu mủ kéo đến đời chúng liệu có quá mỏng manh.

Tối hôm trước tôi nhớ đến ông bà ngoại tôi, ông nội và ông bà ngoại của anh, bố tôi, những người thân mà hình ảnh, mùi hương, lời nói và tình thương còn rất rõ nét trong tôi. Rõ đến mức về quê tôi vẫn cảm thấy thấp thoáng như ông vẫn ngồi ngoài thềm kia, hay bà ngồi cạnh bàn nước, bỏ tóc ra cho tôi bện lại. Nhưng không bao giờ tôi hình dung được thời thanh xuân của ông bà, những hình ảnh mà đôi khi tôi tha thiết muốn biết đến. Để khuấy động lớp trầm tích im lìm dưới tuổi tác, để thấy mỗi Người đều đã từng trẻ trung, cái tuổi trẻ vô tư vô tội, trước khi mang vác quá nhiều gánh nặng của Đời, trước khi có chúng tôi.

Đôi khi tôi thấy như mình ở trên một chuyến tàu, chạy từ rất lâu và qua rất nhiều sân ga mà không bao giờ quay trở lại được. Những sân ga rực nắng hay sũng mưa, tràn ngập cây cỏ hay những viên sỏi xanh mà tôi chưa từng biết đến. Những toa tàu rất đẹp, mãi mãi đẹp, với mùi thơm và ánh sáng từ bao nhiêu nơi nó đã qua. Tôi chỉ là người bước lên từ một sân ga. Trên một chuyến tàu không khứ hồi.

2014-03-20 09.48.26 2014-03-20 09.48.35