Archive

Yêu

Một người bạn của tôi mới mất bố. Một trong những điều bạn ấy nhớ về bố mình là được bố chở đi bằng chiếc xe đạp từ lúc còn là học sinh, đến khi đi học đại học và đi làm. Bạn có kể với tôi như thế, lâu rồi, lúc 2 đứa cùng học cao học hoặc cùng làm với nhau, tôi không nhớ chắc.

Nhưng trong bao nhiêu câu chuyện kể, thì câu chuyện ấy lập tức in sâu vào đầu tôi. Bởi tôi cũng biết hạnh phúc ngồi sau lưng bố là thế nào.

Tôi đi học cấp 1, 2, 3 gần nhà nên đều tự đi bộ, hoặc lên cấp 3 thì đạp xe. Lúc được bố đạp xe chở đi là hồi nhỏ xíu và sau này khi đi thi đại học. Bố chở tôi đi thi bằng chiếc Cub 82 phân khối nhỏ. Kỳ thi đại học diễn ra vào giữa mùa hè, nắng chang chang. Mỗi buổi thi bố đều đợi tôi ở cổng trường, như bao ông bố bà mẹ khác. Không biết bố nghĩ gì lúc đấy nhỉ, không biết bố uống nước ở đâu, bố đỗ xe chỗ nào. 

Khi đã đỗ đại học rồi, thì bố chở tôi mấy lần đến trường để mua dụng cụ học tập, lúc đầu không biết thì đến trường Kiến trúc vốn bán đắt hơn, sau thì thường xuyên tới cái ngõ nổi tiếng bán đồ dùng giá tốt cho sinh viên cạnh trường Xây dựng. Lần chở nặng nhất là mua cái bàn kính vẽ kỹ thuật, tôi ngồi sau ôm cái bàn đặt giữa hai bố con, gió to cứ đẩy đẩy cái mặt bàn. 

Thời cấp 3 – là lúc bố mẹ mua được xe máy, thì có lúc bố đưa tôi đi mua giày. Tôi thích một đôi giày thể thao, hàng Thượng Đình thôi nhưng lúc đó với tôi nó là một đôi giày rất lộng lẫy. Tôi thích mà ngần ngừ không dám nói. Thế là bố chiều và mua cho tôi. Cũng giống như cái bút Rotring ngòi 0.01 là loại đắt nhất, nhưng bố nghĩ tôi phải có đủ bộ bút vẽ kỹ thuật, nên bố cũng mua. 

Sau này, khi bố ốm mệt rồi, thì tôi lại đưa bố đi bằng chiếc Cub 82 đó. 

Những ngày gần đây, có một câu chuyện sóng gió về một người bố – một người bạn FB của tôi, vốn hoàn hảo trước công chúng nhưng hóa ra đã để lại cho những người con những tuổi thơ tan nát. Tôi cũng nghĩ ngợi lấn cấn về chuyện đó mất mấy ngày. Nghĩ về những người bố, người con.

Hồi nhỏ tôi không nhận thức được mình may mắn ra sao. Nhưng khi lớn lên nhìn lại, thì bố mẹ đã cho chúng tôi một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, với niềm tin tưởng luôn có bố mẹ ở bên cạnh che chở. Có những lúc không vui, tôi vẫn nhớ chứ, lúc tôi giận dỗi, không bằng lòng vì những thiếu thốn không được như ý, nhưng những ký ức đó nằm yên nhỏ xíu, so với những niềm hạnh phúc như được ngồi sau lưng bố, được bố đưa đi chỗ này chỗ nọ, rồi hai bố con về nhà khi chiều tới.

Bạn scooter Zebra của Sao Nhỏ thứ 6 này sẽ về nhà mới, làm bạn thân của 1 em bé khác. Bố lấy bạn từ kho ra để bác Thúy cọ rửa, Sao Nhỏ ra chào bạn, lưu luyến lắm: “Tớ yêu cậu lắm!” “Tớ cũng yêu cậu” “Chào cậu nhé, tớ đến chăm sóc một bạn nhỏ khác đây”.


Mẹ cũng rất yêu quý Zebra và bồi hồi khi phải chia tay bạn. Mẹ nhớ lần đầu Sao Nhỏ tập chơi với bạn dưới sân như thế nào, chỉ một buổi tối là con đi thạo. Tên Zebra là con đặt cho bạn. Rồi sau đó hầu hết mỗi lần cần xuống nhà làm gì con đều chạy scooter. Mỗi lần gặp con là thấy con đang lướt thật nhanh, lưng đeo ba lô, tay lái treo mấy túi đồ. Ngoài ra trò ưa thích của con là cho bạn tự chạy xuống đường dốc và con đuổi theo. Thường thì bạn chạy ổn, nhưng có lúc dốc quá đổ kềnh, con đuổi ko kịp đỡ 😀


Bạn Zebra sau 6-7 năm gắn bó đã trở nên lem nhem hơn, một tay nắm gẫy mất miếng cao su tròn tròn ở đầu, nhưng xe vẫn tốt lắm. Phanh cũng tốt. Mãi tối qua bố hỏi sao phanh còn tốt thế, bố mẹ mới biết con toàn phanh bằng cách sệt chân xuống đất luôn : ))


Tạm biệt scooter Zebra yêu quý. Bạn sang nhà mới sẽ lại được chạy khắp nơi không phải nằm trong kho nữa. Chúc bạn luôn luôn vui vẻ nhé!


Hình này là Sao Nhỏ đang chạy rất chậm để vừa chạy vừa ngắm mặt đường ướt mưa.

Mỗi lần ốm, lại càng thấm thía sức khỏe thật quý giá. Buổi sáng nếu được tỉnh dậy, được hít thở bình thường, đi lại bình thường, không đau nhức ở đâu cả, quả thật là một ơn phước.

Ngày covid thứ 4, tôi đã hết sốt, các triệu chứng khác cũng nhẹ hơn. Túc tắc tập yoga trở lại được buổi thứ 2. Thay vì chỉ theo đủ động tác như hôm qua, thì tôi đã chú ý hơn đến hơi thở và cơ thể, nhận thấy vùng cơ nào còn cứng, vùng nào đã dễ thả lỏng hơn, hơi thở ra vào từ tốn và sâu hơn. Tôi tập hết 1 tiếng cho những động tác cơ bản mà bình thường chỉ mất 35-40 phút, bỏ qua những động tác phải dùng lực.

Hết sốt thì mất đi cảm giác nhạy bén thái quá với mùi vị, lại hơi tiếc. Những mùi, vị, hương của đồ ăn mà cơn sốt đem lại vẫn là của những món ăn đó, nhưng đậm nét hơn, và kéo theo những ký ức liên quan tới mùi vị đó mà tôi đã tưởng như đã quên mất. Lúc này có thời gian, được nhẩn nha cảm nhận lại cũng là một trải nghiệm.

Chiều ngủ dậy, hơi váng vất. Nhìn cầu Thủ Thiêm tấp nập xe qua lại, thấy thật may mắn vì thời gian đó đã qua, khoảng thời gian mà cây cầu không một bóng xe máy hay ô tô, chỉ thỉnh thoảng xe cấp cứu và xe bus chở F0 vụt qua.

Em Bisou thấy mẹ ốm thì quấn mẹ hơn thường lệ, có lúc thấy mẹ ho em liền leo vào lòng, thơm mẹ. Em luôn là niềm vui, niềm dịu dàng vô bờ bến của mẹ.

Những ngày cuối năm 2020, nhà Gió đổ bộ vào SG. 2 ngày đầu Gió sợ Bisou, không dám đến gần, thỉnh thoảng lắm mới vuốt “chị”. Đến tối qua bác Cương đi làm về, thì đã có một diễn biến nhỏ trong vòng hai phút. Như thế này. Bisou đang ở dưới gầm bàn ăn. Bác Cương chui vào ôm Bisou vào lòng. Gió cũng chui vào theo, ngồi gần Bisou. Hai chị em nhìn nhau và Bisou thơm Gió, thơm mấy cái liền. Gió không sợ gì nữa. Sau đó Gió lùi mông chui ra, vừa ra vừa nhận xét: “Bisou đáng yêu thật!”

Vậy là đôi bạn buổi tối trước ngày chia tay cũng kịp kết thân với nhau. Những tâm hồn trong trẻo nhất thế giới gặp nhau.

Nếu cần chọn ra, thì hai phút dưới gầm bàn đó là khoảnh khắc trong lành nhất trong những ngày cuối năm của bác Cương.

Ảnh bốn anh em tối đầu tiên gặp nhau đầy đủ.

Năm nay đã hết cấp 1, lên cấp 2, nhưng Sao Nhỏ nhất định là các trẻ em học cấp 2 vẫn được Ông già Noel tặng quà cho đến lớp 8 (không biết thông tin này từ đâu ra). Để tránh việc con tự phát hiện ra vì chắc là nhiều bạn bè của con biết rồi, bố mẹ quyết định nói với con rằng Ông già Noel không có thật, tất cả những món quà xuất hiện một cách thần kỳ trong những năm qua đều là từ bố mẹ.

Sau phút ngạc nhiên ban đầu, anh bạn hỏi lại chi tiết các Noel, thấy bố mẹ giải thích được hết, thì anh bạn chấp nhận sự thật và phản ứng của anh làm bố mẹ bất ngờ, đó là… lăn ra cười vì thấy mình đã bị “lừa” một cách có tổ chức. Con nhớ lại mẹ cứ giục con nghĩ quà nhanh lên, trước tháng 11 kẻo Ông không kịp sản xuất, hóa ra là vì mẹ sợ ship ko kịp, và con lại cười nắc nẻ. Hóa ra bạn MQ nói đúng vì bạn đã thấy món quà được giấu ở trong nhà vệ sinh. Hóa ra thế này và thế kia.

Mẹ hơi lo lo con sẽ buồn. Nhưng không, cậu bé vui vẻ chỉ nhìn ra những thứ buồn cười trong câu chuyện này. Và cả bố mẹ và con cùng ngồi ôn lại những mùa Noel trước, con viết thư, rồi sáng sáng ngủ dậy chạy ra ngóng thư  trả lời xuất hiện trên cửa sổ, rồi năm nào con cũng thức chờ gặp ông mà đều bị ngủ mất. Những kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của con và của cả nhà mình.

Sau cùng, anh bạn kết luận ngắn gọn và khúc triết: “Childhood ruined”. Làm bố mẹ cũng buồn cười.

Vậy là trong nhà chỉ còn em Bisou tin vào Ông già Noel.

Chúng tôi tới Israel vào mùa đông, do đọc nhầm 1 bài review nào đó nói tháng 1 là đẹp nhất ở đây 😂. Thực tế đây là tháng lạnh nhất, có mưa, và là mùa thấp điểm của du lịch.

Nhưng thật may mắn, những ngày chúng tôi ở đây nhiệt độ thấp trên dưới 10 độ C nhưng bầu trời xanh biếc, nắng chan hoà. Mưa chỉ là những cơn ngắn và khá ít ỏi. Hoa chưa nở rộ nhưng chim chóc bay đầy trời. Và đường phố vắng khách du lịch cũng khá hợp với kiểu đi chơi dềnh dang, ưa yên tĩnh của chúng tôi.

Và, sau cuộc dạo chơi 6 ngày ở 2 thành phố, tôi không chuẩn bị trước rằng mình sẽ rất yêu mến những gì tôi đã nhìn thấy, những con người tôi đã gặp. Không kể đến những phức tạp chính trị, những xung đột tôn giáo đâu đó, những gì tôi cảm nhận ở đây là bầu không khí sạch sẽ, thanh bình, yêu tri thức và văn minh. Tôi thích ý nghĩa của ngày Sabbath, ngày thứ 7 hàng tuần mà người Do Thái thực hiện cả nghìn năm nay, là ngừng hết mọi hoạt động và chỉ nghỉ ngơi cùng gia đình. Tôi thấy đồ ăn địa phương rất ngon và tốt cho sức khoẻ. Tôi thích vật liệu đá trắng đơn giản và phổ biến ở đây. Tôi thích hình ảnh mọi người đọc sách bên bờ biển. Cái gì cũng thích, giống y như câu “Yêu ai yêu cả đường đi” vậy 😊

8E187EC9-58F8-47E7-8A7C-D6AEA3BEB64B

Một con đường chính ở Jerusalem, có đường tàu điện chạy qua. Nhà cửa ở đây đều thấp tầng, và hầu hết đều chỉ một màu đá trắng ngà. Anh tour guide người Israel nói rằng loại đá lime stone này bắt đầu phổ biến từ thời Ottoman và được ưa chuộng vì nhìn giống như vàng.

 

9ABC72EB-56A9-46CC-A3A6-38F340F0A6AE

Cây đàn piano bằng bê tông đầu tiên trên thế giới. Âm thanh của nó có vẻ không trong trẻo bằng đàn thường, nhưng vẫn rất hay. Và thường xuyên có người ngồi chơi và hát ở đây.

EAFF6324-2F04-45EF-A264-5498627B1F2D

Cây đàn piano ở ga trung tâm Jerusalem. Cô gái này đang đàn một bản nhạc hay đến rơi nước mắt. Âm nhạc và những nhân viên an ninh đeo súng ở đây quả là một sự kết hợp lạ lùng.

943BB32A-915D-4E2E-BD35-438D9998143A

Wailing Wall / Western Wall – bức tường Than Khóc, nơi cả nghìn năm qua, người Do Thái đã tới đây than khóc về ngôi Đền Thiêng bị phá huỷ, về đất nước quê hương đã bị mất.

9F7C4650-9AB9-4089-A906-EAA10D0C43C4

Thánh đường Đá trên Núi Đền. Ngọn núi này tương truyền là nơi Chúa trời tạo ra trái đất. Mèo hoang ở khắp nơi, và chúng đi lại hành xử như là chủ nhân nơi đây vậy.

57B2665F-4E05-455A-A0EC-854E91616AEA

Vị trí tôi đang đứng là điểm giao nhau của 4 quarter trong thành cổ: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Armenian. Xa xa là Thánh đường Đá, tháp chuông nhà thờ, mái vòm các thánh đường. Một vùng đất tôn giáo kỳ lạ.

48EFEBAC-CF81-4A36-999A-8B929A163101

Một cuốn sách đặc biệt, có 1250 trang, mỗi trang chỉ là những chữ Jew lặp đi lặp lại, mỗi chữ Jew tượng trưng cho một người Do Thái đã bị giết hại trong thảm hoạ Holocaust. 6 triệu người. Con số thật là khủng khiếp!

2FD17BDB-CDB2-4AAF-A866-745942072997

Nhà thờ Thiên Chúa có trang trí thần tiên nhất tôi từng tới. Nằm ở khu của người Armenia.

23D1C51D-FE0C-416F-8C0D-026F37A04AA2

Nơi đây từng là một cái chợ thời La Mã chiếm đóng. Hiện giờ người ta nhắc lại thời kỳ đó bằng những bức tranh tường. Đi trên con đường phía trên là các rabbi, hình ảnh phổ biến ở Jerusalem. Rabbi là những người gìn giữ và nghiên cứu giáo lý Do Thái một cách bền bỉ suốt mấy trăm thế hệ, từ thời cổ xưa tới nay.

8C39E150-338D-4AEF-A712-B716D8561427

Người dân ở Israel rất lịch sự, đáng yêu. Dù an ninh đeo súng đi đầy đường nhìn có vẻ hầm hố, nhưng chỉ cần dừng lại giữa đường hơi ngơ ngác là lập tức có người tới hỏi có cần giúp gì không. Họ sẽ hỏi bạn từ đâu tới và sẽ niềm nở: Welcome, welcome.

99C04705-860D-4E2E-B8A5-AFDEF41410DB

Tel Aviv là một thành phố khác hẳn, nhộn nhịp hơn, nhiều tháp cao tầng, nhiều xe ô tô trên đường. So sánh hơi khập khiễng thì Tel Aviv khác Jerusaem như Sài Gòn khác Huế vậy.

948757E1-4DB8-4095-A804-54DD2216A2A4

Một đường bờ biển dài được quy hoạch rất sạch sẽ, trang nhã.

7D2C6131-2438-4BB4-80F9-5B95C07F9901

Cứ cách vài trăm mét sẽ có một “combo” hình bán nguyệt bao gồm quán cafe, phòng tắm, thay đồ ở dưới, trên mái là một sân nhỏ ngắm cảnh và đọc sách như thế này.

4B43A77C-A6A7-4C9E-A20E-D651352A99AD

Tel Aviv cũng có một thành cổ rất đẹp, thành Jaffa có tuổi đời hơn 2000 năm. Hiện giờ đây là một quần thể du lịch với nhà hàng, shop lưu niệm, các điểm nghỉ ngơi, flea market và cả nhà hát. Mọi hoạt động ở đây đều diễn ra nhẹ nhàng, không cảm thấy sự “làm phiền” tới di tích đặc biệt này.

5D577E35-361B-4E7E-9165-7CD2DD9662A4

Flea market, nhiều hàng hoá, khá ít đồ Trung Quốc.

2AFDF1AE-DE10-4F86-A390-E2A8545CBC55

Và bọn mèo cũng tung hoành khắp nơi.

E58CBF0C-35B7-474F-8497-3ED5BCB1B98D

Khu Neve Tzedek. Nhìn đơn giản nhưng là một khu phố rất dễ thương với cỡ khoảng 100 cửa hàng được design trau chuốt. Hơi giống Zone 9 của HN ngày trước hoặc khu 3A Tôn Đức Thắng ở SG, nhưng rộng rãi, ngăn nắp và cao cấp hơn.

46BD5D34-5836-49B9-AD75-89F5B720E2ED

Một sáng mưa, mây mù bay cả vào cửa sổ ở Tel Aviv. Nhưng khi tạnh mưa trời lại sáng bừng xanh biếc.

5A015750-413E-4869-AF8E-BF27B64536F4

Một bữa trưa dọc đường rất ngon. Đồ ăn ở đây thanh nhẹ, có vị chua dịu dịu, và rau gia vị thì thơm đặc biệt. Tôi quên ko chụp món falafel là đậu gà viên, chấm với xốt humus, cũng rất ngon và healthy. Bạn nhỏ của chúng tôi ko hề thích rau củ và đồ chay, mà sang đây rất hào hứng với những món gần chay này.

4005728E-BEF1-4377-B0BB-869173B5FFE4

Chúng tôi có hẹn với 1 người bạn ở Ceasaria, cách Tel Aviv 1 giờ xe hơi. Ở đây có 1 khu di tích cổ nằm bên bờ biển, có từ thời La Mã, được khai thác thành khu gallery, nhà hàng. Mùa vắng khách nên rất thanh bình.

64547232-E627-475E-856A-803BF0E8262F

Một ngôi sao gắn trên sàn gỗ của khu cảng.

111CFE79-8A1D-4305-A324-5B7FAC453716

Và cảm ơn hai tình yêu đã ở bên tôi, ôm hôn tôi mỗi ngày và cùng tôi thong thả dạo chơi ^^

Nếu trên đời có một tình yêu nào trong sáng, bền bỉ, mãnh liệt, thì có thể kể đến tình yêu của Bisou với bố, mẹ và anh. Đặc biệt là với mẹ. Một em bé cún bé tí tẹo, mà sao có nhiều yêu thương đến thế. Em luôn tìm cách ở gần mọi người, dựa vào, thơm tay thơm chân, kéo tay người lớn lại đòi vuốt, lẽo đẽo đi theo người không biết mệt mỏi. Ai đi đâu về em cũng ra đón, cho dù em đang ngủ say hay đang chơi. Với mẹ thì em dụi mõm vào chân mẹ, nằm lăn vào lòng mẹ. Mẹ bỏ giầy, bỏ túi, đi vào giữa nhà là em đi theo, và lại lăn vào lòng. Thấy mẹ là em bé cứ lên đòi bế đã, nếu nóng quá nhảy xuống thì tính sau, nhiều khi bám mẹ khá là phiền.

Bisou không bao giờ giận dỗi, không cáu gắt với ai cả, em chỉ yêu thôi. Em không bao giờ cắn ai cả. Chỉ có duy nhất một hôm em đang mải ăn mà mẹ cứ kéo em ra để lau mồm, em lỡ cắn nhẹ vào tay mẹ – lần đầu tiên trong cuộc đời 20 tháng của em. Ngay sau đó em bé biết lỗi ngay, nhìn mẹ với ánh mắt rất tội nghiệp, ngồi dựa vào mẹ, khi thấy mẹ cười thì em mới đứng lên ăn tiếp.

Hạnh phúc lớn nhất của em là một cái sofa đầy đủ: bố, mẹ, anh Sao Nhỏ, Bisou. Lúc đó em sẽ ngủ rất ngon lành hoặc nằm yên thật thư giãn.

Thỉnh thoảng Bisou ngước đôi mắt nâu sáng ngời nhìn mẹ, nhìn lâu lắm, ko biết em định nói gì. Hai mẹ con nhìn nhau, nói chuyện, mẹ ôm em trong lòng một lúc, cái chân cái tay em thật thoải mái, yên tâm không đề phòng gì hết, người em cuộn thành một cục len đen ấm áp. Những lúc đấy mẹ thấy mình thật may mắn vì có em để yêu và được yêu nhiều như vậy.

IMG_5544.JPG

Sáng nay một người bạn bất chợt gửi tôi một cái hẹn đi nghe nhạc, lúc 9h tối. Thường ngày giờ đó tôi đã chuẩn bị đi ngủ rồi. Tôi hơi chần chừ rồi nhận lời vì tôi chưa đi nghe nhạc ở Sài Gòn bao giờ, mặc dù đã sống ở đây 4-5 năm. Tôi cũng nhận lời do người bạn của tôi rất xinh đẹp, stylish, tính cách sôi nổi, nghệ sỹ, nhiều lúc tôi cảm giác cô ấy rất bốc đồng và đang mơ mộng ở đâu đó lạ kỳ, tôi rất thích những người rực rỡ, sống hết mình như vậy.

Tôi ra khỏi nhà lúc trời mưa rả rích. Sài Gòn có thể mưa lớn sầm sập rồi qua ngay, hoặc là mưa nhỏ mà mãi không tạnh như tối nay. Bạn tôi hẹn ở Acoustic Bar vì cô ấy hay thường đến đây. Nhưng lúc đến mới phát hiện ra toàn tụi thanh niên rất trẻ, ăn mặc đơn giản, ngồi chen nhau quanh cái sân khấu nhỏ có 2 ban nhạc cũng phong cách như vậy. Nhìn lại mình thấy đã trót lên đồ, 1 đứa đồ ren 1 đứa hở vai, nên bọn tôi chuyển sang Park Hyatt. Ở đây thực sự là một không gian vô cùng thích hợp. Không khói thuốc, không đông người ồn ào, có chút nhạc live, nội thất thì trang nhã. Đây là quán bar tôi thích từ hồi mới vào SG, khi đi làm về qua nhìn thấy mấy cái đèn bằng thủy tinh đúc thả xuống rất lung linh.

Và ở đó chúng tôi có cuộc nói chuyện bất tận với những đề tài hết sức phụ nữ, hết sức đàn bà, đầy sức sống như cây cỏ vậy. Có thể do trời mưa, do tháng Sáu, do chúng tôi vừa trở về từ những chuyến đi chơi xa. Hoặc có thể khi thức khuya tôi hay rơi vào trạng thái tỉnh táo trong suốt đặc biệt của tôi, giống như bước vào một căn phòng hay một khu vườn của riêng tôi. Một quý ông hơi lớn tuổi, mặc sơ mi trắng, bụng bự, ngẫu hứng lên hát “The house of the rising sun”, giọng hay và trẻ trung đến rơi nước mắt.

Những cuộc nói chuyện thế này nhắc cho tôi một cuộc sống đầy những yêu thương, đau khổ, khát vọng, những ràng buộc, hay tự do rong chơi. Giống những chuyến girl trip, nó cho tôi một năng lượng tươi mát, sinh động không có ở những mối quan hệ khác. Tôi cảm thấy hạnh phúc về mọi thứ: âm nhạc, ánh sáng, màu đen tôi mặc, mái tóc của tôi, màu son tôi mang, cái túi nhỏ tôi đặt lên mặt quầy bar, về cơn mưa đang rơi ướt mặt đường ngoài kia.

Tôi biết ngày mai tôi sẽ đi làm như những ngày thường, và nghe đi nghe lại “The house of the rising sun”.

Năm đầu tôi tập 3-4 buổi/ tuần. Gần 2 năm nay tôi tập hàng ngày, 4 buổi có giáo viên, 3 buổi còn lại tự tập theo 1 bài duy nhất học được của thầy giáo cũ. Một nửa số ngày là tôi thức dậy khá khó khăn vì rất thèm ngủ tiếp, nên phải áp dụng chiến thuật là không suy nghĩ gì hết, cứ trèo ra khỏi giường, vệ sinh buổi sáng, thay đồ, trải thảm ra tập. Như một cái máy.

Nếu có gì làm tôi tự hào về quá trình học yoga, thì chính là kỷ luật hàng ngày đó. Nhờ nó mà tôi cảm nhận những thay đổi nhỏ xíu của từng phần cơ thể, sự thích ứng của cơ thể với những động tác đã tập đi tập lại cả năm trời. Mỗi ngày lại là một khám phá mới về một vùng cơ, về sức chịu đựng của vai, tay, hay chân, về hơi thở, hay về sự khó bảo của những vùng khớp lì lợm. Có những ngày cũng chẳng có gì mới. Nhưng tôi vốn là người có thể chịu được, hoặc thậm chí enjoy sự lặp lại đơn điệu và tỉ mẩn của một loại công việc nào đó. Và cứ như vậy 3 năm trôi qua.

IMG_5522

Động tác xoạc dọc trên không này, tôi có thể làm từ cách đây 3 năm. Nhưng mãi tới gần đây, tôi mới hiểu cách điều khiển vai, lưng, đầu gối. Chân trái của tôi vẫn mềm hơn chân phải rất nhiều, một bên 8 điểm một bên chỉ được khoảng 6 điểm. Lưng trên của tôi vẫn cứng do cơ địa nên đường cong lưng chưa thật là đẹp.

 

7B1EB13B-E517-4700-82A0-8F41904C8CC4.JPG

Động tác bồ câu. Hình bên trái cách đây 3 năm là thầy giáo phải khá vất vả giúp tôi nắm được mũi chân, và lúc đó đau lung tung hết cả. Bây giờ tôi dễ dàng tự làm một mình, và nhận biết được mình đang đau ở đâu, nhiều hay ít.

 

IMG_5555.JPG

Động tác cây cầu. Tôi biết mở xương ức hơn, thả lỏng cổ, duỗi thẳng được gối, vì thế lực sẽ dồn vào lưng trên. Với cái lưng bướng bỉnh của tôi thì động tác này nếu tập nặng một chút là cả một thử thách. Nhưng tôi đã hiểu được cái lưng của mình phần nào để xoay sở cho nó.

 

IMG_5513.JPG

Động tác trồng chuối. Tôi cũng làm được rất sớm, sau 8 tuần bắt đầu tập yoga. Nhưng sớm mà không thật chuẩn. Cũng gần đây tôi mới biết cách nâng vai, siết bụng, siết hông và đùi để người vươn thẳng hơn nữa.

Một từ tôi rất thích ở các giáo viên yoga, là “cảm nhận”, hay “quan sát” cơ thể. Khi ở tư thế nào, thì cảm nhận về cơ thể, hơi thở của mình trong tư thế đó. Dù đau hay mệt thì cũng cần thở được, và thật sâu, chậm. Điều này giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống. Tôi có thể bình tĩnh quan sát và tiếp nhận sự việc hơn trước, nếu có căng thẳng hay bấn loạn, thì thở sâu và đều đặn luôn hiệu quả đối với tôi.

Thật ra đối với bất kỳ điều gì, cảm nhận, lắng nghe bản thân luôn luôn cần được ưu tiên, vì bản thân mình là một đối tượng hết sức quan trọng, hết sức cần được quan tâm và được yêu 🙂

 

13-16/4

Xinh xắn, sạch sẽ, tiện nghi và thanh bình. Khá lạnh cho chúng tôi, phải trang bị áo chống rét ở mức cao nhất có thể, và không tối nào chúng tôi ra đường vì trời lạnh, mưa tầm tã, và thật ra cũng không có điểm nào hấp dẫn vào buổi tối. Nhưng ban ngày thì nói chung khô ráo, có lúc nắng đẹp.

Tôi tiếp tục jetlag, tối luôn ngủ sớm và sáng sớm chong chong mắt.

Hostel khá ổn, trừ cái nệm bị quá mềm nên ai cũng đau lưng.

C4E549E7-26CB-4FD1-917F-A4B83C17525D

Phòng của chúng tôi áp mái, sáng ra có một ô nắng và cây, đêm đến có một ô trăng sao.

 

IMG_2698.JPG

Ở Lugano hoa tulip mọc nhiều như hoa mười giờ ở VN vậy.

 

IMG_2787.JPG

Một nhánh phố đổ vào quảng trường nhỏ mà ngày nào bọn tôi cũng đi qua.

 

RNI-Films-IMG-AC1C74A5-88E0-4739-BF76-C76B94FCC692.JPG

Những thảm hoa daisy yêu quý của tôi có mặt khắp nơi. Daisy bên này nhỏ xíu xinh xinh, vẫy rung rinh vui vẻ.

 

IMG_2879.JPG

Tuyết thật sự, êm và xốp như mây. Không lạo xạo như tuyết trên glacier ở Queenstown tôi gặp hồi tháng 3. Và trên đỉnh núi tôi biết thế nào là lạnh băng giá.

 

IMG_2822.JPG

Lago di Lugano. Hồ Lugano xanh ngắt như gương. Đây cũng là buổi đi chơi vui và may mắn nhất ở Lugano vì trời nắng đẹp.

 

IMG_2882.JPG

Hồ Lugano nhìn từ đỉnh Generoso. Đoàn tàu xình xịch lên đỉnh núi khá thú vị.

Có thứ ko chụp ảnh nhưng rất đáng nhớ là… cồi sò điệp Thụy Sỹ. Tôi chưa từng ăn cồi sò điệp nào ngọt như vậy. Ngoài ra rau củ, nấm, thịt cũng rất tươi ngon. Chúng tôi mua về luộc hoặc nướng là đã có 1 bữa đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng mà lại rẻ nữa.

Sô-cô-la cũng không hổ danh là đặc sản Thụy Sỹ. Đặc biệt khi nhà sản xuất sô-cô-la còn bán kem nữa thì kem phải nói là ngon vô địch. Cảm giác co ro ăn kem sô-cô-la và chanh leo gần bờ hồ, gió lạnh thổi ù ù rất đáng nhớ. Ngon và lạnh.

Có một chuyến đi vòng quanh hồ rất vớ vẩn nhưng tôi vẫn thích. Chúng tôi mua vé đi cái xe điện du lịch, “tour” kéo dài khoảng 30ph, đi 1 phần bờ hồ, luồn lách vào phố để quay lại bến. Trời lạnh, mưa phùn, cả đoàn tàu chỉ có 3 chúng tôi. Được ngồi trong một đoàn tàu đỏ trắng, lòng không nghĩ ngợi, tôi như được trở về với niềm thanh thản tuổi thơ.

Cũng trên tour vòng quanh hồ đó, tôi nhìn thấy một cô gái đang dừng xe, tóc vàng, nét mặt rất đẹp. Cô là 1 trong 2 người phụ nữ đẹp nhất tôi gặp trong suốt chuyến đi này.