Một người bạn của tôi mới mất bố. Một trong những điều bạn ấy nhớ về bố mình là được bố chở đi bằng chiếc xe đạp từ lúc còn là học sinh, đến khi đi học đại học và đi làm. Bạn có kể với tôi như thế, lâu rồi, lúc 2 đứa cùng học cao học hoặc cùng làm với nhau, tôi không nhớ chắc.

Nhưng trong bao nhiêu câu chuyện kể, thì câu chuyện ấy lập tức in sâu vào đầu tôi. Bởi tôi cũng biết hạnh phúc ngồi sau lưng bố là thế nào.

Tôi đi học cấp 1, 2, 3 gần nhà nên đều tự đi bộ, hoặc lên cấp 3 thì đạp xe. Lúc được bố đạp xe chở đi là hồi nhỏ xíu và sau này khi đi thi đại học. Bố chở tôi đi thi bằng chiếc Cub 82 phân khối nhỏ. Kỳ thi đại học diễn ra vào giữa mùa hè, nắng chang chang. Mỗi buổi thi bố đều đợi tôi ở cổng trường, như bao ông bố bà mẹ khác. Không biết bố nghĩ gì lúc đấy nhỉ, không biết bố uống nước ở đâu, bố đỗ xe chỗ nào. 

Khi đã đỗ đại học rồi, thì bố chở tôi mấy lần đến trường để mua dụng cụ học tập, lúc đầu không biết thì đến trường Kiến trúc vốn bán đắt hơn, sau thì thường xuyên tới cái ngõ nổi tiếng bán đồ dùng giá tốt cho sinh viên cạnh trường Xây dựng. Lần chở nặng nhất là mua cái bàn kính vẽ kỹ thuật, tôi ngồi sau ôm cái bàn đặt giữa hai bố con, gió to cứ đẩy đẩy cái mặt bàn. 

Thời cấp 3 – là lúc bố mẹ mua được xe máy, thì có lúc bố đưa tôi đi mua giày. Tôi thích một đôi giày thể thao, hàng Thượng Đình thôi nhưng lúc đó với tôi nó là một đôi giày rất lộng lẫy. Tôi thích mà ngần ngừ không dám nói. Thế là bố chiều và mua cho tôi. Cũng giống như cái bút Rotring ngòi 0.01 là loại đắt nhất, nhưng bố nghĩ tôi phải có đủ bộ bút vẽ kỹ thuật, nên bố cũng mua. 

Sau này, khi bố ốm mệt rồi, thì tôi lại đưa bố đi bằng chiếc Cub 82 đó. 

Những ngày gần đây, có một câu chuyện sóng gió về một người bố – một người bạn FB của tôi, vốn hoàn hảo trước công chúng nhưng hóa ra đã để lại cho những người con những tuổi thơ tan nát. Tôi cũng nghĩ ngợi lấn cấn về chuyện đó mất mấy ngày. Nghĩ về những người bố, người con.

Hồi nhỏ tôi không nhận thức được mình may mắn ra sao. Nhưng khi lớn lên nhìn lại, thì bố mẹ đã cho chúng tôi một tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, với niềm tin tưởng luôn có bố mẹ ở bên cạnh che chở. Có những lúc không vui, tôi vẫn nhớ chứ, lúc tôi giận dỗi, không bằng lòng vì những thiếu thốn không được như ý, nhưng những ký ức đó nằm yên nhỏ xíu, so với những niềm hạnh phúc như được ngồi sau lưng bố, được bố đưa đi chỗ này chỗ nọ, rồi hai bố con về nhà khi chiều tới.

Núi Fuji trong không khí trong suốt, lạnh gần 0 độ C là ấn tượng đẹp và mạnh mẽ nhất của tôi trong chuyến đi Nhật vừa rồi.

Khi từ sân bay Narita về Tokyo, chúng tôi đã vài lần nhìn thấy ngọn núi, điều mà chẳng hiểu sao trong lần tới Tokyo năm 2018 chúng tôi đã để lỡ. Mặc dù đã thấy bao lần trên ti vi, trên sách báo, nhưng lần đầu nhìn thấy núi Fuji ngoài đời thực, tất cả mọi người đều thích lắm. Nhưng phải tới tận vùng núi, đến thật gần, dạo chơi ở đó, chốc chốc lại ngước lên nhìn núi, hay bất ngờ ở một góc cuối con đường – giữa 2 dãy nhà, xe, và những cột điện, ngọn núi chợt hiện lên, mới thấy núi Fuji thật đẹp. Ngọn núi cao lớn, trang nhã, bí ẩn, đẹp một vẻ đẹp duyên dáng cổ xưa.

Chúng tôi có ba ngày ở dưới chân núi Fuji. Ngày nào chúng tôi cũng tới hồ Kawaguchiko và ngắm ngọn núi từ đó, có lẽ hàng giờ không biết chán. Đang giữa mùa đông nên cây cối chỉ toàn cành khô. Nhưng may sao đợt mưa tuyết gần đó đã qua đi, thời tiết đã khô ráo, ngày nào cũng trời xanh và nắng vàng rực rỡ dù rất lạnh, đêm tới trời đầy sao và trăng mọc trên đỉnh núi. Chẳng thể mong may mắn hơn thế.

Riêng tôi đã có một buổi tối kỳ diệu ở đây. Hôm đấy tôi xuống bể onsen của khách sạn, cũng là lần đầu tiên tắm onsen. Cả hai bể trong nhà và ngoài nhà đều vắng không bóng người. Bể ngoài nhà nhỏ, trông ra hồ Kawaguchiko. Tôi ngâm mình trong làn nước, cảm thấy mình được sưởi ấm vỗ cả châu thân, làn gió lạnh 0 độ cũng chỉ làm da mặt tôi mát rượi, tâm trí chợt trong suốt. Và kìa, trước mắt tôi, bên cạnh những cành cây mảnh dẻ mùa đông, là vầng trăng non sáng như một sợi bạc cong tròn. Cả thế giới chợt bình yên như đang ở giữa một phước lành bất tận.

Dù đã về nhà hơn một tháng rồi, tôi vẫn lưu luyến nhớ núi Fuji – hay Fujisan như người Nhật thân mật gọi ngọn núi ấy. Mà đúng là với chúng tôi, ngọn núi cũng đã trở nên thân thiết. Chúng tôi đã không chụp được bức ảnh nào thật ưng ý. Nhưng những ký ức trong vài ngày ngắn ngủi ở chân núi cũng quá tươi đẹp, chẳng phương tiện nào có thể thể tả lại được.

Núi Fuji mùa đông.
Chiều xuống rất nhanh ở đây, và lạnh cóng.
Công viên Okie, nơi chúng tôi đi dạo và ngắm hồ Kawaguchi, ngắm Fuji mãi không chán.
Một góc nhìn khác từ công viên. Ngọn núi lúc nào cũng yên tĩnh và trang nhã.

Sau 2 tháng tập chạy và vài lần long run 10 km, hôm qua tôi “được” lên level 12 km. Ấn tượng của 12 km sâu sắc hơn nhiều so với 10 km, dù lúc bắt đầu tôi đã nghĩ hôm nào chạy nổi 10 km tôi đã ăn mừng rồi. 

Pace bình thường – 6:14, không có gì giỏi giang xuất sắc, nhưng với tôi cũng là một thành quả vì mỗi buổi lại tốt hơn một chút, km sau nhanh km trước hơn 1 chút.

Lúc đầu tôi nghĩ chắc vẫn 10 km như mọi đầu tuần khác, nên tới km 8, 9 tôi bắt đầu thấy mệt. Đêm qua lại ko ngủ đủ, được có hơn 6 tiếng. Nên hơi nặng nề. Cơ thể bắt đầu biểu tình ở chân, hông, lưng,… Không ngờ tới hết vòng thứ 8 / 10, PT bảo dừng uống nước, nghĩa là sẽ còn 2 vòng tương đương 2.4 km nữa. Km số 11 chạy bon hơn, đỡ mệt, nhưng km 12 thì đúng là chạy bằng quán tính và ý chí, cứ thế tiến về phía trước, chân đạp, tay vung, mũi miệng thở, cứ máy móc mà vượt qua từng đoạn để về đích. 

Lần đầu đạt 10 km tôi không mệt lắm, và cũng chưa kinh nghiệm lắm để cảm nhận về cơ thể khi chạy. Nhưng lần 12 km này là lần đầu tiên tôi thấy mình, trong một khoảng thời gian ngắn, ở trong trạng thái cảm nhận mà vừa thấy vừa không thấy, vừa biết cơ thể mình ở đó vừa thấy nó nhẹ bẫng như rỗng không.

Về nhà giãn cơ nửa tiếng, xuống nhà ăn sáng, xong lên nhà tôi buồn ngủ rũ, và nằm ngủ sâu một mạch tận 2 tiếng luôn, Bisou cũng ngủ lăn cạnh mẹ. 

Chiều tối tôi giãn cơ thêm nửa tiếng nữa. Vậy mà 12h đêm đang ngủ tôi vẫn bị thức dậy do chân trái rất mỏi ở một điểm nào đó gần gót chân. Quả là một mốc đáng nhớ.

Bạn scooter Zebra của Sao Nhỏ thứ 6 này sẽ về nhà mới, làm bạn thân của 1 em bé khác. Bố lấy bạn từ kho ra để bác Thúy cọ rửa, Sao Nhỏ ra chào bạn, lưu luyến lắm: “Tớ yêu cậu lắm!” “Tớ cũng yêu cậu” “Chào cậu nhé, tớ đến chăm sóc một bạn nhỏ khác đây”.


Mẹ cũng rất yêu quý Zebra và bồi hồi khi phải chia tay bạn. Mẹ nhớ lần đầu Sao Nhỏ tập chơi với bạn dưới sân như thế nào, chỉ một buổi tối là con đi thạo. Tên Zebra là con đặt cho bạn. Rồi sau đó hầu hết mỗi lần cần xuống nhà làm gì con đều chạy scooter. Mỗi lần gặp con là thấy con đang lướt thật nhanh, lưng đeo ba lô, tay lái treo mấy túi đồ. Ngoài ra trò ưa thích của con là cho bạn tự chạy xuống đường dốc và con đuổi theo. Thường thì bạn chạy ổn, nhưng có lúc dốc quá đổ kềnh, con đuổi ko kịp đỡ 😀


Bạn Zebra sau 6-7 năm gắn bó đã trở nên lem nhem hơn, một tay nắm gẫy mất miếng cao su tròn tròn ở đầu, nhưng xe vẫn tốt lắm. Phanh cũng tốt. Mãi tối qua bố hỏi sao phanh còn tốt thế, bố mẹ mới biết con toàn phanh bằng cách sệt chân xuống đất luôn : ))


Tạm biệt scooter Zebra yêu quý. Bạn sang nhà mới sẽ lại được chạy khắp nơi không phải nằm trong kho nữa. Chúc bạn luôn luôn vui vẻ nhé!


Hình này là Sao Nhỏ đang chạy rất chậm để vừa chạy vừa ngắm mặt đường ướt mưa.

Mỗi lần ốm, lại càng thấm thía sức khỏe thật quý giá. Buổi sáng nếu được tỉnh dậy, được hít thở bình thường, đi lại bình thường, không đau nhức ở đâu cả, quả thật là một ơn phước.

Ngày covid thứ 4, tôi đã hết sốt, các triệu chứng khác cũng nhẹ hơn. Túc tắc tập yoga trở lại được buổi thứ 2. Thay vì chỉ theo đủ động tác như hôm qua, thì tôi đã chú ý hơn đến hơi thở và cơ thể, nhận thấy vùng cơ nào còn cứng, vùng nào đã dễ thả lỏng hơn, hơi thở ra vào từ tốn và sâu hơn. Tôi tập hết 1 tiếng cho những động tác cơ bản mà bình thường chỉ mất 35-40 phút, bỏ qua những động tác phải dùng lực.

Hết sốt thì mất đi cảm giác nhạy bén thái quá với mùi vị, lại hơi tiếc. Những mùi, vị, hương của đồ ăn mà cơn sốt đem lại vẫn là của những món ăn đó, nhưng đậm nét hơn, và kéo theo những ký ức liên quan tới mùi vị đó mà tôi đã tưởng như đã quên mất. Lúc này có thời gian, được nhẩn nha cảm nhận lại cũng là một trải nghiệm.

Chiều ngủ dậy, hơi váng vất. Nhìn cầu Thủ Thiêm tấp nập xe qua lại, thấy thật may mắn vì thời gian đó đã qua, khoảng thời gian mà cây cầu không một bóng xe máy hay ô tô, chỉ thỉnh thoảng xe cấp cứu và xe bus chở F0 vụt qua.

Em Bisou thấy mẹ ốm thì quấn mẹ hơn thường lệ, có lúc thấy mẹ ho em liền leo vào lòng, thơm mẹ. Em luôn là niềm vui, niềm dịu dàng vô bờ bến của mẹ.

Sớm nay Sài Gòn trời trong xanh, chiều tới có một cơn mưa rào nho nhỏ và qua nhanh, trời lại trong trở lại. Nhân ngày Tình yêu, kể dông dài về ba câu chuyện tình mà tôi mới xem dịp tết vừa rồi.

Câu chuyện trong truyện ngắn “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình?” nhạt nhạt, chẳng hề lãng mạn hạnh phúc hay day dứt tha thiết gì cả. Và nó gây buồn bởi chính sự nhạt nhạt đó. Khi mà tình yêu đối với mọi người thật mơ hồ, không thiết yếu, không quan trọng. Khi mà những câu hỏi bắt đầu nghiêm túc: Như vậy có phải là yêu không, Có tình yêu như thế trên đời không, được đặt ra mà không ai buồn trả lời. Hay một câu chuyện (tưởng như chuyện) tình được kể lại mà người kể cũng không buồn kết thúc nó nữa. Buổi chiều tàn dần, phòng khách của họ tối hẳn đi nhưng đèn cũng chưa bật lên. Tôi có thể cảm nhận rõ không gian đó, nó giống như tôi đã có trong một vài lần ở nhà một mình đợi mọi người về, bằng lòng với 1 khoảng sáng rất nhỏ đủ để đọc, và lười biếng bỏ mặc bóng tối chiếm lĩnh căn phòng uể oải. Truyện ngắn kết thúc với vài câu hỏi trong với tôi nhưng tôi cũng ko mong câu trả lời, kết thúc với sự hụt hẫng mà cũng là sự nhẹ nhõm khi không phải dõi theo những mẩu đối thoại lạnh lẽo đó nữa.

Câu chuyện tình thứ hai, trái ngược hẳn, dữ dội và đau lòng. Chuyện diễn ra giữa một thiếu gia người Hoa và một cô gái Pháp trong bối cảnh thành phố Thiên Tân những năm 1900 trong cuốn “Ống nhòm một mắt” mà tôi trì hoãn giờ mới dám xem. Tình yêu, hoặc tôi cảm giác ở đây là sự yêu thích mãnh liệt, đã bùng cháy và tan tác theo chiến tranh và những biến động quá sức chịu đựng của con người. Tôi thì không quan tâm tới câu chuyện đó, vì mối tình ấy hơi non nớt và hơi siêu thực. Tôi thích nghiền ngẫm những chi tiết sống động, đẹp đẽ về bối cảnh của câu chuyện, hay thích những chi tiết về gia tộc, hay người vợ trầm lặng và nhẫn nại của cậu thiếu gia kia hơn.  Nhưng dù gì, cuốn sách này cũng rất cuốn hút, đẹp và buồn và tàn nhẫn đến không dứt ra được.

Êm ả một cách nhẹ nhàng và khá theo xu hướng của giới trẻ là câu chuyện trong MV của ca sỹ ĐP. Ê-kíp dàn dựng một màn cầu hôn mà nữ chính không hề hay biết, và cô gái liên tục bất ngờ, cảm động cho tới phút cuối. Thật ra câu chuyện cũng dễ trở nên đáng yêu khi nữ chính rất xinh, và tình huống trong đó thật lãng mạn nên thơ mà nhiều cô gái ước ao. Có điều cũng không có gì mới hay gì đó thật đặc sắc về cả câu chuyện và cách kể chuyện. Chỉ là một MV xinh xắn cho năm mới vậy thôi, lướt xem một lần rồi sẽ chóng quên.

Chính thức WFH 100% đã được 1 tháng 20 ngày. Trước đó thì 50% trong khoảng 1 tháng. Hàng ngày làm việc hay nghỉ ngơi, theo thói quen tôi hay nhìn ra cây cầu Thủ Thiêm. Thấy xe cứ vắng dần theo mức độ tăng cường của các chỉ thị giãn cách. Sau khi có lệnh giới nghiêm, chiều và tối còn thưa xe hơn nữa. Sức sống của thành phố chỉ còn thấy ở nắng vàng, dòng sông chảy, cây cối lay động hàng ngày, và những cuộc họp online, những dòng chat trong những căn nhà đóng lại kia.

Có người nói: Thế giới sẽ không bao giờ như xưa sau Covid. Câu nói ấy có thể gây ra nhiều cảm xúc và suy tư: tiếc nuối, buồn bã, mong đợi, hy vọng, …

Nhưng thật ra thì, thế giới có bao giờ như xưa, cho dù có Covid hay không.

Một ngày của tôi bây giờ rất đơn giản. Dậy sớm. Tập yoga. Tắm rửa. Bế Bisou một lát rồi bắt đầu làm việc. Chuẩn bị bữa trưa, ăn trưa,  nghỉ 20 phút. Làm việc. Chiều tối bỏ đồ ăn ra rã đông, tập tabatas hoặc không, nấu bữa tối. Tắm rửa, đọc sách, lướt web. Rồi ngủ sớm. Cuối tuần xem phim thì sẽ thức khuya và dậy muộn hơn, và phần công việc sẽ thay bằng đọc sách và lướt web nhiều hơn.

Mọi thứ đều được giản lược vì lock down. Các bữa cơm đơn giản nhất có thể. Quần áo mặc để WFH quanh quẩn vài bộ thoải mái nhất và nhìn lại toàn màu trung tính. Đồ trang sức rút lại còn 1 chiếc nhẫn để thấy một chút gì đó lấp lánh trên tay. Shopping giảm tối đa, vì còn 1 tủ đồ ko động tới. Dưỡng da và kem chống nắng buổi sáng. Việc dọn nhà dồn vào chiều chủ nhật. Thực phẩm, đồ dùng đều mua online.

Những sáng cuối tuần cả nhà đi ăn, hay đi shopping đều ngừng lại. Trẻ con có lẽ thiệt thòi nhất, không summer school, không học bơi, không đá bóng, không xe đạp, không du lịch hay về thăm ông bà. Mùa hè của các bạn trôi qua trong nhà cùng Youtube, các trò games, bàn bi-a mini, và bố mẹ.

Không còn những buổi nhậu la cà, girly talks, không có những cuộc hẹn ngẫu hứng trà đạo nhà bạn này, trái cây nhà bạn kia, khao sinh nhật, khao vì bị bắt khao, farewell, happy hour.

Công việc của tôi cũng trở nên đơn giản, theo một nghĩa nào đó nếu coi như việc đóng các dự án là đơn giản hóa chúng. Tạm thời không còn deadline, không còn những ám ảnh quen thuộc hàng tuần từ hơn 1 năm nay trước những weekly meeting. Những thành viên trong team cũng dần dần rời đi bởi những nguyên nhân khác nhau.

Thậm chí, tôi cũng đã mất đi một tình bạn trong Covid. Những mối quan hệ đơn giản hơn một chút theo cách không ngờ tới.

Những đơn giản đó đều nói lên rằng cuộc sống trở nên khó khăn và buồn tẻ hơn. Cho dù có thể là quy củ hơn, hay tiết kiệm hơn, hay biết trân trọng những gì mình có hơn. Nhưng thực sự thì trong thời gian này, dù là một người thích gọn gàng, thích quanh quẩn ở nhà, tôi thấy mình vẫn cần chút lộn xộn, phù phiếm của cuộc sống trước Covid.

Nếu không có Covid, những thay đổi đó có thể sẽ không bao giờ xảy ra. Có thể tôi vẫn có được những routine ưa thích, vẫn giữ những thói quen hàng ngày hàng tháng, sẽ nói chuyện được với mentor mà tôi mong gặp được trong năm nay, sẽ mua thêm mấy món đồ xinh xinh đẹp đẹp, sẽ đi chơi ở những nơi chốn mới mẻ, sẽ thảnh thơi về Hà Nội như mọi năm.

Nhưng khi viết chữ Nếu đó, tôi đã tự cảm thấy rằng đó chỉ là một Nếu không có thật. Thế giới sẽ vẫn thay đổi, theo cách nào đó.

Những ngày cuối năm 2020, nhà Gió đổ bộ vào SG. 2 ngày đầu Gió sợ Bisou, không dám đến gần, thỉnh thoảng lắm mới vuốt “chị”. Đến tối qua bác Cương đi làm về, thì đã có một diễn biến nhỏ trong vòng hai phút. Như thế này. Bisou đang ở dưới gầm bàn ăn. Bác Cương chui vào ôm Bisou vào lòng. Gió cũng chui vào theo, ngồi gần Bisou. Hai chị em nhìn nhau và Bisou thơm Gió, thơm mấy cái liền. Gió không sợ gì nữa. Sau đó Gió lùi mông chui ra, vừa ra vừa nhận xét: “Bisou đáng yêu thật!”

Vậy là đôi bạn buổi tối trước ngày chia tay cũng kịp kết thân với nhau. Những tâm hồn trong trẻo nhất thế giới gặp nhau.

Nếu cần chọn ra, thì hai phút dưới gầm bàn đó là khoảnh khắc trong lành nhất trong những ngày cuối năm của bác Cương.

Ảnh bốn anh em tối đầu tiên gặp nhau đầy đủ.

Ở Hồ Con Rùa ngay trung tâm Sài Gòn, có một tiệm kem đơn sơ một cách đặc biệt. Một tòa căn hộ dịch vụ khá bảnh bao kế bên làm nổi bật cái vẻ cũ kỹ của tiệm. Ở đây không có cửa, không máy lạnh, chỉ đơn giản bày mấy bộ bàn ghế. Chính giữa “phòng khách” có sofa, bàn nước, ti vi, dàn âm thanh lỗi thời. Ánh sáng cũng chỉ vài bóng đèn trắng tù mù. Cái gì cũng cũ và tối. Bạn tôi bảo mặt bằng tiệm này bị trả lại mà chưa ai thuê nên tạm thời tiệm kem lấp chỗ trống. Có thể vì thế mà họ chẳng cần trang trí bày biện gì hết. Điểm nhấn duy nhất là bộ sưu tập xe cub bày gần khu sofa.

Menu của tiệm cũng đơn giản và ít món. Tôi gọi kem trái dừa. Ngoài trái dừa được lột vỏ gọn ghẽ thì cách trình bày món kem khá giống với cảm giác của tôi về những năm 90 ăn kem Bờ Hồ. Nhưng vị kem khá ngon, trái dừa còn non nên tha hồ nạo cụi dừa ăn chung với kem. Thêm một ly nước dừa đi kèm nữa là no nê. Giá tương đối ổn, 60 ngàn, không đắt không rẻ.

Sáng hôm sau đi làm ngang qua, thì thấy tiệm trở thành quán café khá đông khách.

Sài Gòn không ngừng có những góc nhỏ nhỏ làm tôi ngạc nhiên như thế.

Ngày đầu tiên của tháng 10. Tôi bắt tay tìm idea ban đầu cho một dự án ở Hà Nội, khu vực phía bắc hồ Tây, gần sông Hồng. Mới chỉ google vài hình, hồ Tây thời xưa, sông Hồng, cốm mùa thu, tôi đã phải ngưng lại một lúc vì những hình ảnh thương mến ấy làm tôi nhớ Hà Nội quá đỗi.

Tầm này là giữa mùa thu, Hà Nội sẽ có những ngày nắng vàng đẹp lắm. Nếu không vì công việc quá bận, tôi sẽ như mọi năm, nghỉ 1 tuần ra đấy nghỉ ngơi. Ngày ngày ở nhà với mẹ, mẹ mua xôi gấc cho tôi ăn sáng. Tôi sẽ đọc sách lướt web cả ngày. Chiều tối lúc bạn bè đi làm về thì tôi bắt đầu đi chơi, lang thang ở những nơi chốn quá quen thuộc nhưng không bao giờ chán, ăn ở những hàng quà cũng quen thuộc nhưng lần nào ra Hà Nội tôi cũng phải ghé qua. Lần nào cũng đi qua từng đấy nơi, mà lần nào cũng tiếc nuối vì chưa thể đi hết những nhớ nhung.

Mùa thu nếu đi chơi lúc chiều tối sẽ phải mang thêm khăn quàng hoặc áo khoác mỏng, vì từ chiều tới tối và đêm, trời lạnh đi mấy độ, có chút sương giá của mùa dễ gây ốm, nhưng nếu có chuẩn bị thì cảm giác sẽ dễ chịu vô cùng, giống như hồi nhỏ vừa bật quạt vừa đắp chăn đi ngủ vậy. Thật ra, với tôi, mùa thu là mùa dễ chịu và hiền hòa nhất của Hà Nội.

Mong về lắm lắm, Hà Nội.

Đây là một slide tôi làm trong một dự án năm 2017, cũng ở Hà Nội.