Archive

Đọc

Sớm nay Sài Gòn trời trong xanh, chiều tới có một cơn mưa rào nho nhỏ và qua nhanh, trời lại trong trở lại. Nhân ngày Tình yêu, kể dông dài về ba câu chuyện tình mà tôi mới xem dịp tết vừa rồi.

Câu chuyện trong truyện ngắn “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình?” nhạt nhạt, chẳng hề lãng mạn hạnh phúc hay day dứt tha thiết gì cả. Và nó gây buồn bởi chính sự nhạt nhạt đó. Khi mà tình yêu đối với mọi người thật mơ hồ, không thiết yếu, không quan trọng. Khi mà những câu hỏi bắt đầu nghiêm túc: Như vậy có phải là yêu không, Có tình yêu như thế trên đời không, được đặt ra mà không ai buồn trả lời. Hay một câu chuyện (tưởng như chuyện) tình được kể lại mà người kể cũng không buồn kết thúc nó nữa. Buổi chiều tàn dần, phòng khách của họ tối hẳn đi nhưng đèn cũng chưa bật lên. Tôi có thể cảm nhận rõ không gian đó, nó giống như tôi đã có trong một vài lần ở nhà một mình đợi mọi người về, bằng lòng với 1 khoảng sáng rất nhỏ đủ để đọc, và lười biếng bỏ mặc bóng tối chiếm lĩnh căn phòng uể oải. Truyện ngắn kết thúc với vài câu hỏi trong với tôi nhưng tôi cũng ko mong câu trả lời, kết thúc với sự hụt hẫng mà cũng là sự nhẹ nhõm khi không phải dõi theo những mẩu đối thoại lạnh lẽo đó nữa.

Câu chuyện tình thứ hai, trái ngược hẳn, dữ dội và đau lòng. Chuyện diễn ra giữa một thiếu gia người Hoa và một cô gái Pháp trong bối cảnh thành phố Thiên Tân những năm 1900 trong cuốn “Ống nhòm một mắt” mà tôi trì hoãn giờ mới dám xem. Tình yêu, hoặc tôi cảm giác ở đây là sự yêu thích mãnh liệt, đã bùng cháy và tan tác theo chiến tranh và những biến động quá sức chịu đựng của con người. Tôi thì không quan tâm tới câu chuyện đó, vì mối tình ấy hơi non nớt và hơi siêu thực. Tôi thích nghiền ngẫm những chi tiết sống động, đẹp đẽ về bối cảnh của câu chuyện, hay thích những chi tiết về gia tộc, hay người vợ trầm lặng và nhẫn nại của cậu thiếu gia kia hơn.  Nhưng dù gì, cuốn sách này cũng rất cuốn hút, đẹp và buồn và tàn nhẫn đến không dứt ra được.

Êm ả một cách nhẹ nhàng và khá theo xu hướng của giới trẻ là câu chuyện trong MV của ca sỹ ĐP. Ê-kíp dàn dựng một màn cầu hôn mà nữ chính không hề hay biết, và cô gái liên tục bất ngờ, cảm động cho tới phút cuối. Thật ra câu chuyện cũng dễ trở nên đáng yêu khi nữ chính rất xinh, và tình huống trong đó thật lãng mạn nên thơ mà nhiều cô gái ước ao. Có điều cũng không có gì mới hay gì đó thật đặc sắc về cả câu chuyện và cách kể chuyện. Chỉ là một MV xinh xắn cho năm mới vậy thôi, lướt xem một lần rồi sẽ chóng quên.

Hình như tôi hết tuổi đọc kiểu truyện ngây thơ trong sáng rồi. Hôm qua quay lại đọc 1 chị ở hội bút Hương Đầu Mùa ngày xưa, hồi đấy rất thích giọng văn tươi tắn và hóm hỉnh của chị ấy, nhưng giờ đọc không thấy hấp dẫn nữa. Truyện về một cô sinh viên hăm hở du học trời Tây, không xinh, không biết làm duyên làm dáng, nhưng bướng bỉnh và kiêu hãnh, có những lăn tăn tình cảm với 1 anh Tây 1 anh Ta. Đơn giản hết sức. Bù lại, cuốn sách có những ghi chép về phong cảnh, văn hóa châu Âu chân thực và khá thú vị.

Thể loại này giống mấy truyện văn học mạng TQ tôi từng sa đà vào rồi bước đi không quay đầu lại nữa. Kiểu sách nhẹ nhàng lãng mạn chỉ hợp những năm đầu tuổi 20 của mình. Có lẽ cái thời sinh viên đã xa quá rồi, giờ tôi băn khoăn về những thứ khác nhiều hơn, muốn đọc những câu chuyện hay gặp những nhân vật hấp dẫn hơn. Ít ra phải li kì như Ma Thổi Đèn, phiêu lưu bốc phét như Mật Mã Tây Tạng, hay phức tạp siêu tưởng như 1Q84.

Tuy nhiên, có một thể loại nhẹ nhàng lãng mạn khác mà tôi không thể quay đi, đó là phim Hàn Quốc, mặc dù biết là sến sẩm, trăm phim như một. Nhưng một hôm nghỉ ốm, tôi mở ti vi xem trúng 1 tập của bộ phim truyền hình “Mật vụ Iris” gì đó, đại loại vẫn là tình tay ba tay tư nhưng diễn ra trong bối cảnh quân địch vs quân ta, diễn chính đẹp trai, mặc đồ màu đen cầm súng rất ra dáng. Thế là tôi xem nhiệt tình, và tiếc hùi hụi khi tập phim kết thúc ở đoạn gay cấn. mà tôi lại khỏi ốm không theo dõi tiếp được.

Kết luận là tối nay tôi lại đọc tiếp quyển sách kia xem ai yêu ai đây.

 

Trời đẹp quá, chỉ cần một áo khoác thật nhẹ hoặc một khăn quàng là ra đường buổi sáng được. Không khí ẩm và mát, mấy cây bàng dọc đường nở bung những cái lá non xanh mướt.

Thèm đi mua sách vì cái phố đấy nhìn ra Bờ Hồ, giờ này chắc Hồ đang xanh và đẹp. Phố bán sách nên hình như sạch sẽ hơn, thoang thoảng mùi giấy (hay tôi tưởng tượng ra vậy?) và lòng đường lúc nào cũng thấy lá rụng. Nếu có thể thì đi bộ lang thang ở đây xem sách rất thích. Tất nhiên muốn thấy thanh thản thì phải bỏ qua những anh trông xe chào mời vào mua sách.

“1Q84” với “Chúa tể của Những chiếc nhẫn” đều chưa có. Hơi ỉu một tí vì dạo này không có sách đọc. Sang nhà xuất bản Kim Đồng gặp 1 em bán sách rất xinh nhưng gương mặt lạnh lùng, không dịch vụ gì cả. Mình cứ băn khoăn có phải vì các em xinh thế mà cứ phải ngồi đây nên đâm ra khó tính. Sách cho trẻ con của Kim Đồng cũng nhiều bộ nhảm, xào xáo cho đầy vài trang sách. Rẻ thật đấy nhưng đôi khi nội dung rất nhảm nhí. Ví dụ truyện con vịt con cứ tủi thân vì nó xấu xí quá, sau được biến thành thiên nga xinh đẹp thì nó rất hạnh phúc, phản giáo dục kinh khủng luôn. Nhưng vẫn còn nhiều sách hay.

Mua mấy quyển Câu đố mầm non, Chuột Típ và Bác sĩ Ai-bô-lít cho anh bạn nhỏ. Cuốn Bác sĩ Ai-bô-lít, tình yêu hồi bé của mình, bây giờ bị cắt giảm gần hết số tranh, thậm chí không có tranh nào vẽ mụ Vac-va-ra độc ác, những tranh còn lại có độ phân giải hơi kém, giấy cũng không đẹp. Đất nước đổi mới đã lâu mà mãi vẫn chưa có những quyển sách đẹp như những quyển của NXB Cầu Vồng hồi xưa.

Mãi bây giờ tôi mới đọc “Ông già và biển cả”, và choáng ngợp. Bởi sự hùng vĩ kỳ diệu của tự nhiên đã được diễn tả thành lời. Có lẽ không bao giờ tôi có thể quên cái ấn tượng trước cảnh con cá kiếm kiêu hùng “mang trong mình cái chết, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”.

Tôi đọc cuốn này sau khi xem phim “Cuộc đời của Pi” 1 tuần. Không bàn về những điều khác thì bộ phim cũng có những cảnh biển xúc động, lúc đẹp đẽ lúc khắc nghiệt. Có mặt biển mênh mông dưới vòm trời sao trĩu nặng và có bão tố nổi cơn thịnh nộ mà con người không thể chống đỡ nổi.

Lúc nào tôi cũng yêu biển. Tôi có thể đứng ngắm mãi màu lam sẫm trải ra mênh mông kia, những khối ánh sáng thay đổi theo mặt trời, đứng mãi, nhắm mắt mà nghe tiếng ầm ào sâu thẳm và hít thở hương vị mặn chát, đón những bụi nước li ti phả vào mặt từ những con sóng vỗ bờ. Có một lần tôi dậy thật sớm, ngồi co ro trong bóng tối chờ mặt trời mọc. Bãi biển vắng tanh nhưng những con tàu đánh cá lại đang làm việc rất hối hả, ánh đèn thay nhau lóe lên trên nền xanh sẫm. Bắt đầu trên đường chân trời là một chấm tròn sáng rực, nhỏ nhoi trong nháy mắt rồi thình lình kéo dài thành muôn vàn vệt sáng. Biển đã thức dậy. Bao nhiêu nghìn năm rồi, vẫn là sóng, nước, gió, cát, biển vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp giản dị mà vĩ đại ấy, giữ trong lòng sâu cả nỗi dịu dàng lẫn những cơn bão cuồng loạn.

Without your love, it’s a honky-tonk parade

“It’s only a paper moon” (artist Ella Fitzgerald – 1933)

Cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” làm tôi nản đọc Haruki Murakami quá. Cảm giác như bác này lạm dụng yếu tố siêu thực, đoạn kết trừu tượng làm tôi mệt mỏi vô cùng.

Chính vì thế cầm tập 2 “1Q84” trên tay không thấy hứng thú, vì dường như cách xây dựng tình huống, nhân vật cũng hoang đường, hứa hẹn cái kết không có lý và khó hiểu. Nhưng đọc vài trang tôi lại sa chân vào không dứt ra được. Vẫn là một thế giới hỗn loạn không bình thường, với những nội tâm sâu hun hút, những khoảnh khắc nhanh như một loáng chớp của ánh sáng và bóng tối. Nhiều đoạn nhỏ phải đọc đi đọc lại. Nhiều hình ảnh chân thực đến rung động, như là đang hiển hiện trước mắt vậy.

Câu hát “Without your love, it’s a honky-tonk parade” xuất hiện trong một chương khá ám ảnh có nhắc đến tình yêu. Tình yêu trong truyện của Murakami mãnh liệt và khác thường, tôi luôn mơ hồ tự hỏi liệu những tình yêu như thế có thể tồn tại. Nhưng ít nhất tôi luôn khâm phục cách những nhân vật diễn đạt những suy nghĩ trong tim mình. Xúc cảm nếu không bày tỏ thì thật là vô nghĩa.

Mưa dầm gió bấc đã ba hôm nay, trời đất xám xịt xấu vô cùng. Tình cờ đúng vào mấy ngày này tôi bắt đầu đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Một câu chuyện bắt đầu và diễn biến có vẻ ảm đạm lê thê, rất giống với cái thời tiết này. Mãi mới hết một ngày của nhân vật chính. Anh này thất nghiệp, tạm thời ở nhà nội trợ cho vợ đi làm. Rồi sau khi con mèo nhà anh ta biến mất, anh ta bắt đầu gặp những người kỳ quặc, trong những tình huống quái gở. Làm sao lại có từng đấy người kỳ lạ mà gặp được nhau, tập trung trong một không gian nhỏ và thời gian ngắn ngủi như vậy, tôi nghĩ cả đời tôi cho đến giờ, chắc cùng lắm quen được vài ba người kì lạ. Hay là bên trong cái vỏ bình thường của nhiều người ngoài kia là một cuộc đời khác thường?

Nhưng tôi đã quen với giọng văn và cách xây dựng câu chuyện của bác nhà văn này nên vẫn tìm thấy hứng thú đọc tiếp. Phải khá chậm rãi, đọc kỹ các câu chữ, dõi theo đến từng động tác của nhân vật. Nếu không tôi có thể bỏ qua những quan sát tinh tế rất nhỏ. Có hay không trạng thái chuyển tiếp giữa trời mưa và trời tạnh. Cảm giác cỏ lướt dưới đế giày tennis khi nhảy qua một bờ tường xuống đất. Hay khi nhắm mắt chừng mười phút sẽ thấy được vô vàn sắc độ khác nhau của màu xám, … Nếu không vì những chi tiết như thế chắc tôi đã bỏ dở cuốn sách. Hoặc có thể nhiều hình ảnh trong sách hết sức giống màu sắc ngoài trời kia, nên tôi dễ dàng chìm đắm vào nó và có cảm giác những nhân vật và tình huống đó không còn kì quặc nữa.

Đội mưa đi gặp bạn hiền, cùng bạn ngồi sau những chấn song gỗ ngắm phố chật chội, sự ấm áp làm mờ nhạt hết những rét mướt. Tôi lại nhớ đến cuốn sách đang đọc. Đôi khi có những thứ giống như cuốn sách này, giống như ngày hôm nay. Tuy hai thứ không hẳn là giống nhau nhưng chúng mang cho tôi cảm giác rằng, khi di chuyển vào đúng kênh, đúng thời điểm, thì màu xám lan tràn kia bỗng trở nên mềm mại và hòa lẫn, còn những đốm màu nhỏ cứ sáng mãi lên.

Từ giã đống văn học mạng Trung Quốc đã mua vui cho tôi thời gian qua, tôi quay lại với đống sách cổ điển hơn. Văn học mạng với tôi quá thực dụng, thuần túy để giết thời gian nếu thật sự rỗi rãi và không có sách đọc.

Tôi quay lại với “Bác sĩ Zhivago”, lần thứ ba. Gần đây tôi phát hiện mình đọc bị lướt quá nhanh, nên lần này tôi đọc thật chậm, cố gắng không bỏ sót chữ nào. Lần cuối cùng tôi đọc quyển này đã gần 10 năm, bây giờ những gì quyển sách mang lại với tôi gần như mới, chỉ trừ những chi tiết đặc biệt đã in quá sâu vào óc tôi. Đọc lại quyển sách cũ tôi mới thấy trong đầu mình nhiều thứ đã thay đổi, do suy nghĩ của tôi đã hướng về những điều khác, như đôi mắt mỗi lần nhìn vào cùng một bức tranh lại chú ý đến những chi tiết khác nhau.

Ngày trước, tuổi trẻ tươi đẹp và lãng mạn, tôi chỉ chú ý đến mối tình Zhivago và Lara, tình yêu đau khổ của họ với vợ họ và chồng họ. Cách mạng, nội chiến, những con người ở trong vòng bão tố ấy, đến bây giờ tôi mới gắn những mối tình kia với khung cảnh của nó. Lần thứ ba đọc còn thấy da diết buồn hơn cả hai lần trước cộng lại, nước Nga những năm đầu thế kỷ trước hiện lên rõ nét hơn, đẹp và dữ dội hơn.

Những đoạn tả cảnh rất nhiều và tuyệt đẹp. Tôi bắt gặp một tư tưởng giống như trong “Chiến tranh và Hòa bình”, khi Andrei Bolkonsky ngã xuống giữa một trận giao tranh, anh nằm ngửa và bắt gặp bầu trời xanh. Bầu trời bao nhiêu năm tháng vẫn cái màu xanh bao dung ấy, chiếu ánh sáng bình thản của nó lên đám người nhỏ nhoi đang chiến đấu tiêu diệt nhau. Ở “Bác sĩ Zhivago” cũng vậy. Chiến tranh, điêu tàn, nhưng ánh trăng vẫn chiếu, những loài cây cỏ vẫn đưa hương, tuyết vẫn rơi và lại tan đi khi xuân về.

Hôm nay tôi đã đi qua những phần quan trọng nhất của cuốn sách, Lara ra đi, Zhivago tài năng là thế nhưng đã suy sụp và sẽ chết vì bệnh đau tim. Lúc mới đọc tôi không nhớ là anh sẽ chết. Buồn đến thắt ruột. Nhiều lúc đọc xong một đoạn rất mệt vì quá dữ dội, quá triết lý, nhưng là cái mệt mỏi dễ chịu cả về tinh thần và thể xác như vừa bơi một quãng dài.

Có lẽ sau này nhiều năm nữa, tôi lại đọc “Bác sĩ Zhivago”, để lại tìm thấy những điều khác nữa còn ẩn sâu trong này.