Archive

Monthly Archives: September 2011

Từ giã đống văn học mạng Trung Quốc đã mua vui cho tôi thời gian qua, tôi quay lại với đống sách cổ điển hơn. Văn học mạng với tôi quá thực dụng, thuần túy để giết thời gian nếu thật sự rỗi rãi và không có sách đọc.

Tôi quay lại với “Bác sĩ Zhivago”, lần thứ ba. Gần đây tôi phát hiện mình đọc bị lướt quá nhanh, nên lần này tôi đọc thật chậm, cố gắng không bỏ sót chữ nào. Lần cuối cùng tôi đọc quyển này đã gần 10 năm, bây giờ những gì quyển sách mang lại với tôi gần như mới, chỉ trừ những chi tiết đặc biệt đã in quá sâu vào óc tôi. Đọc lại quyển sách cũ tôi mới thấy trong đầu mình nhiều thứ đã thay đổi, do suy nghĩ của tôi đã hướng về những điều khác, như đôi mắt mỗi lần nhìn vào cùng một bức tranh lại chú ý đến những chi tiết khác nhau.

Ngày trước, tuổi trẻ tươi đẹp và lãng mạn, tôi chỉ chú ý đến mối tình Zhivago và Lara, tình yêu đau khổ của họ với vợ họ và chồng họ. Cách mạng, nội chiến, những con người ở trong vòng bão tố ấy, đến bây giờ tôi mới gắn những mối tình kia với khung cảnh của nó. Lần thứ ba đọc còn thấy da diết buồn hơn cả hai lần trước cộng lại, nước Nga những năm đầu thế kỷ trước hiện lên rõ nét hơn, đẹp và dữ dội hơn.

Những đoạn tả cảnh rất nhiều và tuyệt đẹp. Tôi bắt gặp một tư tưởng giống như trong “Chiến tranh và Hòa bình”, khi Andrei Bolkonsky ngã xuống giữa một trận giao tranh, anh nằm ngửa và bắt gặp bầu trời xanh. Bầu trời bao nhiêu năm tháng vẫn cái màu xanh bao dung ấy, chiếu ánh sáng bình thản của nó lên đám người nhỏ nhoi đang chiến đấu tiêu diệt nhau. Ở “Bác sĩ Zhivago” cũng vậy. Chiến tranh, điêu tàn, nhưng ánh trăng vẫn chiếu, những loài cây cỏ vẫn đưa hương, tuyết vẫn rơi và lại tan đi khi xuân về.

Hôm nay tôi đã đi qua những phần quan trọng nhất của cuốn sách, Lara ra đi, Zhivago tài năng là thế nhưng đã suy sụp và sẽ chết vì bệnh đau tim. Lúc mới đọc tôi không nhớ là anh sẽ chết. Buồn đến thắt ruột. Nhiều lúc đọc xong một đoạn rất mệt vì quá dữ dội, quá triết lý, nhưng là cái mệt mỏi dễ chịu cả về tinh thần và thể xác như vừa bơi một quãng dài.

Có lẽ sau này nhiều năm nữa, tôi lại đọc “Bác sĩ Zhivago”, để lại tìm thấy những điều khác nữa còn ẩn sâu trong này.

Sau 2 ngày đầu mưa lạnh, đợt gió mùa đã mang về đúng không khí mùa thu mà một năm nay tớ mới được gặp lại. Nắng vàng và gió heo may ban ngày, hơi lạnh hơi co ro người khi ra khỏi phòng vào đêm khuya. Mùi hoa cũng thơm hơn. Sáng nay bon tớ đi qua một chị chở cây hoa bằng xe đạp, loại hoa bụi lá xanh sẫm hoa trắng, tớ không biết tên nhưng thoáng một chút thôi mà đã thơm lắm rồi.

Hai đứa cùng đi làm một đường nên hứng chí ăn sáng bánh đa cá rô ở Bà Triệu, ngồi ngay vỉa hè. Trời đẹp nên ai cũng có vẻ vui. Cái quán này cũng giữ khách ghê, ăn lần nào cũng ngon, nước ngọt lừ và thơm lừng, bát bánh đa bốc hơi nghi ngút vừa đặt xuống bàn đã làm tớ suýt chảy nước miếng. Sáng nay không đông lắm, có hai vị khách hơi đặc biệt là hai chú “bồ câu trắng” – cảnh sát giao thông cũng đến ăn. Lúc sau bọn tớ thấy hai chú đang đứng ở góc đường gần đó, mặt tươi cười hớn hở, không biết có phải nhờ bát bánh đa không.

Trời se lạnh thế này, nghe nhạc gì trên đường đi làm cũng hay. Rock làm tớ thấy phấn chấn, nhạc Trịnh có buồn cũng làm tớ thấy êm đềm, Lê Cát Trọng Lý trong trẻo, Bob Dylan thì đặc biệt hợp với không khí này, giản dị và sáng. Buổi chiều đi làm về mệt hơn, chọn nhạc khó hơn. Có hôm tớ nghe “Symphony of Enchanted Land” của Rhapsody, đang nghe đoạn trống dồn dập thì giữa phố mây đen kéo đến, hơi gió ẩm ướt phả vào mặt, tớ cảm giác như bọn rồng đang bay đầy trời và sắp xuất hiện những hiệp sĩ trên lưng chiến mã tuốt gươm hò reo. Cảm giác ấy chỉ ùa đến và đánh lừa tớ trong vòng nửa phút thôi, nhưng ấn tượng mạnh không thể quên.

Mấy ngày này tớ mặc áo đỏ. Đồ mùa hè tớ không có một cái gì màu đỏ, nhưng vào mùa thu thì màu này rất an toàn. Ngày mưa trông như có nắng, còn ngày nắng thì như có quả chin. Mặc dù cái mặt tớ với màu đỏ vẫn hơi ngố hơn khi mặc màu xanh, nhưng hóa ra khi mình đã thích màu đỏ thì dần dần mình còn thích hơn.

Xin chào, mùa thu ngọt ngào.

Bác từng trông Sao Nhỏ, bây giờ bác trông cháu gái tôi. Tôi rất yên tâm vì lại nhờ được bác. Nhưng mới được hai ba tháng, tôi được tin bác có ý định bỏ đi, đến nhà mà bác nghĩ là được trả lương cao hơn và được ăn ngon hơn.

Đây là chuyện về một bác trông trẻ. Tôi từng nghĩ bác là người trông em bé tốt nhất tôi được biết. Bác yêu thằng bé Sao Nhỏ như cháu ruột, quan tâm chăm sóc, lo lắng cho cháu, hàng ngày trò chuyện chơi đùa cùng cháu chứ không như nhiều người khác chỉ trông cho xong việc. Bác dạy Sao Nhỏ những trò chơi đầu tiên, trò cụng đầu, trò hoan hô. Khi Sao Nhỏ đi trẻ, bác làm chỗ khác, nhưng có một lần bác về thấy Sao Nhỏ vừa ốm dậy xanh rớt, bác cứ khóc. Sao Nhỏ ngày trước cũng quấn quit bà, thích đi theo bà cười toe toét.

Nhưng bây giờ bác âm thầm chuẩn bị đi mà chẳng báo trước cho ai hết, bọn tôi chỉ tình cờ nghe nói. Cũng như nhiều người khác, nhận làm việc với gia đình tôi, khi muốn nghỉ là nghỉ ngay, mặc kệ gia đình người ta xoay sở thế nào thì xoay sở. Từ vị trí người nhà, bỗng dưng bác cư xử như những người làm thuê vô trách nhiệm khác.

Tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của bác để hiểu xem vì sao lại thế. Bác chỉ là một phụ nữ nông dân, một mình lăn lộn nuôi con gái học đại học. Bây giờ còn thêm nhiều tuổi, có bệnh, rồi lo lắng tìm việc cho con. Chỗ nào trả lương cao hơn thì bác đi thôi. Nhưng tôi chỉ hiểu được đến thế.Bác đã cư xử đúng như một người đàn bà nông thôn chỉ biết cái lợi trước mắt và chỉ tính toán cho bản thân mình. Trong khi gia đình tôi vốn quý bác,tạo điều kiện đủ thứ. Hồi xưa trông Sao Nhỏ, bác toàn được ăn cơm trưa trước bà ngoại Sao Nhỏ, được ngủ 2 tiếng. Bây giờ em tôi cũng giống tôi, bữa tối ăn vội ăn vàng để lên bế con cho bác xuống ăn, phần cơm phần thức ăn riêng trong nồi cho các bác. Nhưng thật thất vọng là bác không nhìn thấy những điều đó.

Tôi không nỡ nghĩ xấu hơn. Dù sao bác cũng đã là bà Lan yêu quý của Sao Nhỏ hơn một năm trời, bế bồng âu yếm con trai tôi. Nhưng tôi thực sự buồn. Đó là con người bác hay hoàn cảnh khiến bác trở nên tính toán như thế?