Archive

Monthly Archives: January 2013

Nghĩa là Tết đến gần lắm rồi. Nghĩ đến Tết tôi thấy ngại vô cùng. Tôi lười, ưa hưởng thụ và rất ngại đám đông. Tôi không thích những ngày dài cắm mặt vào bếp chuẩn bị các món ăn cho mấy ngày Tết. Tôi ngại nhà đông người, rót nước, rửa chén, rồi lại rót nước, rửa chén mấy ngày liền. Ngại những bữa ăn tất niên và tân niên mà mình luôn phải rửa bát. Tôi không thích nhìn thấy những hộp bánh kẹo giông giống nhau ở mỗi nhà, đặc biệt nếu nhìn thấy mứt thì ngấy không muốn nhìn lại luôn. Tôi thích như hồi bé hai chị em được dậy muộn và ngủ muộn, tích trữ lương thực để ăn rả rích, nằm dài đọc sách cả ngày, được tiền mừng tuổi đếm đi đếm lại. Tôi ngại khi thấy những người thường ngày chẳng ưa gì nhau, đến Tết lại xúng xính chúc nhau những điều tốt đẹp. Tóm lại, khi lớn lên thì dịp Tết với tôi dường như trở nên cũ kỹ, nhàm chán và áp lực.

Nhưng, sáng nay đi làm thấy người ta bán hoa đào, thì cảm giác hào hứng với Tết lại trở về. Năm nay hoa đào xuống phố muộn, hình như do trời lạnh và cũng do kinh tế khó khăn, mọi người chờ thưởng rồi mới có tiền sắm Tết. Dù gì đi nữa, cái màu hồng rưng rưng quen thuộc cũng đã về.

Ngày Tết đường phố lúc nào cũng đông bất kể giờ giấc, mọi người nháo nhác thấy rõ. Chính vì thế mới thấy được sự khác biệt giữa trước Tết và ngày đầu năm mới. Sớm mùng Một đường phố vắng tanh, quang đãng, thanh bình như trong những bức ảnh Hà Nội cũ. Bận rộn tíu tít trước Tết mới thấy quý cái thở phào nhẹ nhõm vào chiều Ba mươi khi đã xong hết hàng trăm việc có tên cũng như không tên. Nhớ nhung thuở bé sung sướng mới thấy giờ mình đầy trách nhiệm và lớn thế nào.

Ngày Tết, tôi hạnh phúc nhất là khi có bố mẹ. Ngày xưa sáng mùng Một bố mẹ luôn dậy sớm hơn bọn tôi, ngồi đợi dưới nhà. Khi hai chị em xuống, bố sẽ mừng tuổi, khoản lì xì đầu tiên trong năm mới của hai chị em. Cả nhà cùng ngồi xem chương trình Tết, bọn tôi luôn ghi lại lịch phim ảnh để lúc nào không đọc sách hay ngủ thì xem phim. Bây giờ có gia đình, tôi đón giao thừa và sáng mùng Một với bố mẹ chồng. Về đây tôi mới không đi chơi cùng bạn bè đêm giao thừa nữa mà tham gia thắp hương, đứng xuýt xoa trong cái lạnh căm căm dày đặc hương trầm, mắt cay xè vì thức khuya và nghe tiếng pháo hoa xì – đùng xa xa. Rồi sau đó bố hạ con gà luộc xuống, cả nhà xé ăn với uống rượu vang. Rồi sáng sớm chúng tôi mừng tuổi ông bà, ông bà mừng tuổi cháu nội. Tôi rất thích không khí này. Bố mẹ tôi rất ít biểu lộ tình cảm bằng lời nói, ngược với bố mẹ chồng. Tôi thấy quen và thích cách có thể nói ra dễ dàng: “Bố yêu con”, “Mẹ yêu con”, “Cảm ơn con” vì những giây phút đó rất tình cảm.

Tết có nhiều thứ đáng chán, nhưng luôn được bù lại bằng đêm giao thừa với sáng mùng Một, và bây giờ là bằng cả những giờ nghỉ ngơi bên con trai. Thế mà tôi lại quên mất, lại chán ngán cho đến khi gặp cái xe đạp hồng rực màu hoa đào này.

Mãi bây giờ tôi mới đọc “Ông già và biển cả”, và choáng ngợp. Bởi sự hùng vĩ kỳ diệu của tự nhiên đã được diễn tả thành lời. Có lẽ không bao giờ tôi có thể quên cái ấn tượng trước cảnh con cá kiếm kiêu hùng “mang trong mình cái chết, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực”.

Tôi đọc cuốn này sau khi xem phim “Cuộc đời của Pi” 1 tuần. Không bàn về những điều khác thì bộ phim cũng có những cảnh biển xúc động, lúc đẹp đẽ lúc khắc nghiệt. Có mặt biển mênh mông dưới vòm trời sao trĩu nặng và có bão tố nổi cơn thịnh nộ mà con người không thể chống đỡ nổi.

Lúc nào tôi cũng yêu biển. Tôi có thể đứng ngắm mãi màu lam sẫm trải ra mênh mông kia, những khối ánh sáng thay đổi theo mặt trời, đứng mãi, nhắm mắt mà nghe tiếng ầm ào sâu thẳm và hít thở hương vị mặn chát, đón những bụi nước li ti phả vào mặt từ những con sóng vỗ bờ. Có một lần tôi dậy thật sớm, ngồi co ro trong bóng tối chờ mặt trời mọc. Bãi biển vắng tanh nhưng những con tàu đánh cá lại đang làm việc rất hối hả, ánh đèn thay nhau lóe lên trên nền xanh sẫm. Bắt đầu trên đường chân trời là một chấm tròn sáng rực, nhỏ nhoi trong nháy mắt rồi thình lình kéo dài thành muôn vàn vệt sáng. Biển đã thức dậy. Bao nhiêu nghìn năm rồi, vẫn là sóng, nước, gió, cát, biển vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp giản dị mà vĩ đại ấy, giữ trong lòng sâu cả nỗi dịu dàng lẫn những cơn bão cuồng loạn.

Without your love, it’s a honky-tonk parade

“It’s only a paper moon” (artist Ella Fitzgerald – 1933)

Cuốn “Biên niên ký chim vặn dây cót” làm tôi nản đọc Haruki Murakami quá. Cảm giác như bác này lạm dụng yếu tố siêu thực, đoạn kết trừu tượng làm tôi mệt mỏi vô cùng.

Chính vì thế cầm tập 2 “1Q84” trên tay không thấy hứng thú, vì dường như cách xây dựng tình huống, nhân vật cũng hoang đường, hứa hẹn cái kết không có lý và khó hiểu. Nhưng đọc vài trang tôi lại sa chân vào không dứt ra được. Vẫn là một thế giới hỗn loạn không bình thường, với những nội tâm sâu hun hút, những khoảnh khắc nhanh như một loáng chớp của ánh sáng và bóng tối. Nhiều đoạn nhỏ phải đọc đi đọc lại. Nhiều hình ảnh chân thực đến rung động, như là đang hiển hiện trước mắt vậy.

Câu hát “Without your love, it’s a honky-tonk parade” xuất hiện trong một chương khá ám ảnh có nhắc đến tình yêu. Tình yêu trong truyện của Murakami mãnh liệt và khác thường, tôi luôn mơ hồ tự hỏi liệu những tình yêu như thế có thể tồn tại. Nhưng ít nhất tôi luôn khâm phục cách những nhân vật diễn đạt những suy nghĩ trong tim mình. Xúc cảm nếu không bày tỏ thì thật là vô nghĩa.

Mưa dầm gió bấc đã ba hôm nay, trời đất xám xịt xấu vô cùng. Tình cờ đúng vào mấy ngày này tôi bắt đầu đọc “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Một câu chuyện bắt đầu và diễn biến có vẻ ảm đạm lê thê, rất giống với cái thời tiết này. Mãi mới hết một ngày của nhân vật chính. Anh này thất nghiệp, tạm thời ở nhà nội trợ cho vợ đi làm. Rồi sau khi con mèo nhà anh ta biến mất, anh ta bắt đầu gặp những người kỳ quặc, trong những tình huống quái gở. Làm sao lại có từng đấy người kỳ lạ mà gặp được nhau, tập trung trong một không gian nhỏ và thời gian ngắn ngủi như vậy, tôi nghĩ cả đời tôi cho đến giờ, chắc cùng lắm quen được vài ba người kì lạ. Hay là bên trong cái vỏ bình thường của nhiều người ngoài kia là một cuộc đời khác thường?

Nhưng tôi đã quen với giọng văn và cách xây dựng câu chuyện của bác nhà văn này nên vẫn tìm thấy hứng thú đọc tiếp. Phải khá chậm rãi, đọc kỹ các câu chữ, dõi theo đến từng động tác của nhân vật. Nếu không tôi có thể bỏ qua những quan sát tinh tế rất nhỏ. Có hay không trạng thái chuyển tiếp giữa trời mưa và trời tạnh. Cảm giác cỏ lướt dưới đế giày tennis khi nhảy qua một bờ tường xuống đất. Hay khi nhắm mắt chừng mười phút sẽ thấy được vô vàn sắc độ khác nhau của màu xám, … Nếu không vì những chi tiết như thế chắc tôi đã bỏ dở cuốn sách. Hoặc có thể nhiều hình ảnh trong sách hết sức giống màu sắc ngoài trời kia, nên tôi dễ dàng chìm đắm vào nó và có cảm giác những nhân vật và tình huống đó không còn kì quặc nữa.

Đội mưa đi gặp bạn hiền, cùng bạn ngồi sau những chấn song gỗ ngắm phố chật chội, sự ấm áp làm mờ nhạt hết những rét mướt. Tôi lại nhớ đến cuốn sách đang đọc. Đôi khi có những thứ giống như cuốn sách này, giống như ngày hôm nay. Tuy hai thứ không hẳn là giống nhau nhưng chúng mang cho tôi cảm giác rằng, khi di chuyển vào đúng kênh, đúng thời điểm, thì màu xám lan tràn kia bỗng trở nên mềm mại và hòa lẫn, còn những đốm màu nhỏ cứ sáng mãi lên.

Cô Hạnh sửa quần bò

Cô hơi trung trung tuổi, người đậm, giản dị, mới gặp có vẻ hơi khó tính một chút. Có lẽ do công việc của cô lặp đi lặp lại bao nhiêu năm nay trên căn gác nhỏ xíu phố Bùi Thị Xuân nên vẻ ngoài của cô không được xởi lởi. Tôi biết chỗ này là do bạn Hạnh chỉ, hồi đó còn sinh viên, gọi cô là cô. Bây giờ lớn hơn, đổi sang gọi là chị. (Kinh nghiệm cho thấy, nếu phải đi trao đổi mua bán, thì khi cần “bắt nạt” ai đó, tôi gọi là em, với phụ nữ hơn tuổi, dù hơn nhiều hay ít, cứ gọi là chị thì mọi việc êm xuôi hơn).

Thế là gần chục năm nay, tôi chỉ sửa quần bò ở chỗ cô vì cô sửa rất đẹp, đường kim mũi chỉ sáng sủa, cẩn thận, làm xong cô còn là cho phẳng phiu. Cắt gấu, xuống gấu, bóp bụng, có khi thu nhỏ cả cái quần vì tôi quá thích kiểu quần mà bị hết size nên vẫn cố mua rồi mang đến chỗ cô. Khi nhận lại lúc nào cũng vừa, vui như mua được cái quần mới.

Muốn lên được nhà cô, phải để xe dưới đường. Nếu gặp bà cụ mẹ chồng cô ngồi nghỉ trên vỉa hè thì bà sẽ trông xe cho. Đi qua một hành lang hẹp tối om, rồi bỏ dép để leo lên một cầu thang gỗ màu nâu sẫm đã cũ. Kiểu chung sống đặc trưng của phố cổ phố cũ Hà Nội – một ngôi nhà chia năm xẻ bảy, cơi nới cho nhiều hộ, mặt tiền tầng 1 cho thuê làm cửa hàng. Có những căn phòng phía trong hoàn toàn không có ánh sáng tự nhiên. Bếp chung ở ngay chiếu nghỉ cầu thang. Mỗi lần đến những căn nhà kiểu này, tôi lại nghĩ đến việc những người sống ở đây đã lựa chọn chen chúc trong một ngôi nhà với tiện nghi sống rất thấp nhưng vị trí lại ở khu trung tâm, và họ sống yên phận bao nhiêu năm với lựa chọn của mình, không có ý định chuyển đi.

Gia đình cô Hạnh cũng thế. Căn phòng của cô chú bao lâu nay không thay đổi gì cả, nghề nghiệp cũng không mở rộng thêm. Không thành cửa tiệm, không sửa thêm các mặt hàng khác, chỉ mỗi cái biển viết tay nhỏ nhỏ ghi sửa quần bò treo dưới cửa tầng 1, một máy khâu, một cầu là và một ngăn tủ để hàng. Giá cả thậm chí còn rất rẻ. Cách đây 2 năm, khi giá cắt gấu quần bò ở khu Khương Trung “nhà quê” là 20 nghìn, thì cô mới tăng từ 7000 hồi tôi còn sinh viên lên 8000 – 9000 gì đó. Tôi kể với cô là ở chỗ tôi đắt vậy đấy, mà cắt còn xấu cơ, và bảo cô tăng giá lên đi, chẳng tội gì. Bây giờ là 12000. Có thể cô lấy thấp đi một chút vì lên nhà cô bất tiện hơn chỗ khác, nhưng vẫn hết sức phải chăng trong thời buổi này.

Tuy mới gặp, cô sẽ lạnh lùng , có lúc còn cao giọng khó tính giống mấy bà bán hàng trên phố cổ, nhưng quen rồi thì cô mềm mại hơn nhiều. Thỉnh thoảng tôi gặp chú chồng cô tròn tròn hiền hiền, thình thoảng phụ cô đo đạc hay ghi chép. “Phòng làm việc” của cô tuy nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, chỉ thấy một ít sợi vải rơi quanh cái máy khâu của cô. Rất giống những gì tôi nhớ được về các bà các cô may vá trong những căn hộ tập thể thời bao cấp.

Chắc sau này tôi vẫn chỉ sửa quần bò ở đây. Gặp những người sống giản dị, chân phương làm tôi thoải mái. Và tôi cũng vốn nhát, quen đâu chỉ qua lại một nơi thôi.

Chị bán bánh dầy giò

Thành thói quen, khi nào muốn ăn sáng bánh dầy giò thì tôi sẽ ghé vào cái gánh nhỏ của chị. Lúc nào chị cũng ngồi ở vị trí đó, kể từ lần đầu tiên tôi mua cách đây hai năm. Chắc vì vị trí đó tốt, qua ngã ba một tí, trước trạm xe bus một tí. Có hôm xuất hiện chú xe ôm, hôm một gánh hàng khác. Cái gánh của chị gồm 2 cái thúng và một biển ghi “Cơm nắm – Bánh dầy giò” đánh chữ in hoa cẩn thận. Hôm nào mưa có thêm cái màn che bằng nilon, treo lên dây thép của hai cái thúng, vén ra được để lấy đồ, giống cái màn của bà ngoại tôi xưa. Không biết ai nghĩ ra mô hình này trước nhất, nhưng bây giờ tất cả các bà các cô bán loại quà sáng này đều copy y hệt. Có lẽ khác nhau là ở những thứ bánh bán kèm. Tôi nói có lẽ, vì tôi chỉ mua bánh của chị này, tôi quen ở đâu dễ chịu rồi thì khó bỏ. Chị bán thêm bánh khoai, bánh rán, bánh nếp, trừ bánh khoai còn toàn là thứ tôi thích.

Trên đường đi làm của tôi còn có một chị cơm nắm – dầy giò nữa, cách chị tôi quen mua vài trăm mét. Nhưng chị này chọn chỗ kém hơn, ngay trước một cái đèn đỏ, bất tiện nếu phải dừng lại giữa dòng người ùn ùn giục giã, nên tôi chưa bao giờ mua. Một lý do nữa, là trông chị này ngồi co ro, mặt đăm đăm có vẻ khổ sở. Chị tôi quen thì tươi tỉnh, nhanh nhẹn, chỉ mất 1-2 phút là bán xong cho một người, lại biết cách tách bánh, cắt giò và kẹp giò rất khéo, không phải động tay vào nên người mua có cảm giác sạch sẽ hơn (chứ tôi cũng biết thừa bây giờ cái gì ăn ngoài đường cũng bẩn). Chị còn giỏi nhận ra khách quen. Tôi cũng không hiểu được vì sao dù tôi có che khẩu trang, đi xe khác, thì dừng lại vẫn thấy chị đon đả: “Dầy giò à?”. Đúng như các cụ nói là có duyên bán hàng, chị cũng đắt khách hơn chị kia.

Tôi cũng chưa bao giờ nán lại chuyện trò gì hơn. Có những mối quan hệ mua – bán hết sức đơn giản như vậy, thế mà cũng kéo dài hơn hai năm nay. Nhìn chị ăn vận sạch sẽ giản dị, có vẻ tươi tắn, tôi nghĩ có thể chị có một ông chồng biết làm ăn và những đứa con ngoan. Không như vài người bán hàng tôi quen, trong gia đình chỉ có vợ chạy chợ kiếm tiền, chồng ở nhà chơi bời, cờ bạc, nghiện hút, mà các bà vợ vẫn cứ cam chịu cái số kiếp ấy, vẫn cứ nai lưng ra. Có một chị bán bỏng ngô trước cổng trường Khương Thượng. Ngày trước còn đi học cấp 2, cấp 3, tôi hay mua vì bỏng của chị rất ngon. Bây giờ vẫn thấy chị đứng đấy, giữa mấy chị bỏng khác, đen đúa, già nua và khắc khổ đi nhiều lắm. Không biết những chuyện gì đã xảy ra trong cuộc sống của chị.

Nhiều lúc tôi bị ngợp trong cảm giác bao nhiêu người đang đi lại trước mặt mình đây, mỗi người một cuộc đời. Nếu những gì tôi biết về những người quen sơ sơ hay những bạn bè trên facebook chỉ là phần nổi của tảng băng, thì những lời chào hỏi, những nụ cười lướt qua trên đường chỉ là những màu sắc nhỏ nhoi lóe lên của cả một số phận.

Rồi sẽ có lúc, có thể chị bánh dầy giò muốn chuyển chỗ bán và đi mất. Chắc tôi sẽ tìm được một gánh hàng khác để mua. Nhưng tôi sẽ tiếc, vì tôi thích những người như chị, để được dấu ấn dù rất nhẹ trong cuộc sống của người khác. Còn hơn những người qua đường chỉ đơn giản lướt ngang qua nhau.

Bình thường chẳng bao giờ tôi thích đánh đổi hai ngày nghỉ cuối tuần để đi cống hiến cho công ty. Nhưng kể ra đi làm thứ 7 chủ nhật cũng có cái vui riêng. Giờ giấc thoải mái hơn, có thể đến muộn về sớm một chút. Đường phố quang đãng hơn nhiều, còn tòa nhà vắng tanh luôn. Quần áo có thể lệt phệt tùy thích, nhìn mọi người rất lạ. Công ty yên tĩnh. Chỉ thấy sáng đèn và nhạc ầm ĩ ở khu vực đang lụt,

Nhất là tôi luôn cảm thấy những người trong team bị lụt gắn bó hơn sau mỗi lần đi làm thêm giờ. Lúc đó mọi người giống như một đội cùng trên một cái thuyền, một mục đích và cùng cố gắng làm cho xong. Cũng hơi có cảm giác “đồng cam cộng khổ”, trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì anh em đồng chí lại chiến đấu. Đến giờ ăn trưa, chúng tôi kéo đi ăn một cái gì đó khác ngày thường, ở một nơi nào ít đến, ngồi lâu hơn ở quán cà phê, chuyện trò vơ vẩn quanh công việc, quanh cuộc sống. Đặc biệt cảm xúc nếu đi làm vào những ngày thu thế này. Một ngày gió se se và rồi bị mưa, một ngày thì nắng ngọt và gió nhiều.

Tôi nhớ đến hồi còn làm ở xưởng HAAI. Đó là thuở trẻ trâu, vừa ra trường, chưa vướng bận gia đình con cái, chúng tôi nhiệt tình làm việc rất vô tư. Ở lại làm muộn, làm xuyên đêm, nhất là trong các cuộc thi là chuyện bình thường. Anh em mở nhạc, pha trò, giờ nghỉ tập trung gặm bánh mì, nghe thầy nói chuyện kiến trúc. Những lúc như vậy tôi cảm thấy thân thiết với xưởng hơn hẳn. Và thầy lúc nào cũng là người làm việc với cường độ cao nhất, chiến đấu đến phút cuối cùng, cầu toàn chỉnh sửa từng chi tiết cho dù đang chuẩn bị copy file mang đi in. Sau mỗi lần làm việc thâu đêm suốt sáng, tôi có được cảm giác hài lòng vô cùng vì được góp phần vào những bản vẽ đã căng trên khung này.

Nói vậy thôi, thỉnh thoảng đi làm cuối tuần cho biết bình thường mình sướng thế nào thôi.

Chúng tôi đến quán ăn mậu dịch không phải vì “say mê nung nấu” (như một cuốn sách đã viết). Vì thế hệ của tôi lớn lên vào những năm cuối của thời bao cấp, không biết đến xếp hàng hay tem phiếu, hầu như không nhớ gì cả. Những gì còn sót lại về cả một thời kì ấy với tôi chỉ là “gạo mậu dịch”, thứ gạo rất xấu, cái chăn nghèo may bằng vô số mảnh vải vụn tôi lại thấy đẹp (mà bây giờ người ta lại làm và bán khá đắt).

Thế nên giữa không gian tập trung đậm đặc bao nhiêu đồ đạc “bao cấp”, tôi không có được cảm giác bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa, không thấy mỗi đồ vật gợi lên một câu chuyện, cảm giác nhìn lại cuộc sống khó khăn đã qua  mà chắc là thế hệ bố mẹ tôi sẽ cảm thấy. Chỉ là vui vui khi gặp lại những hình ảnh quen thuộc thời thơ bé. Những cái mâm nhôm, bát sắt tráng men, cái quạt cái đèn cũ,.. Lúc phát hiện ra cái bàn ăn cũng được kê trên chân máy khâu cũ mới thấy sự kì công của chủ nhà, mà tiếc là tôi không đủ kỉ niệm để hiểu hết (chỉ ước gì hồi trước mẹ có được cái máy khâu, không phải cặm cụi khâu tay cho chúng tôi nào áo nào váy).

Không biết có phải buổi tối hôm đó vui không, mà tôi thấy món gì cũng ngon. Ở đậy phục vụ những món bình thường như hàng cơm bình dân, nhưng nóng hổi và thơm ngon hơn. Món đầu tiên tôi gọi là dưa xào tóp mỡ – món ưa thích của tôi hồi bé, dễ phải gần 20 năm không ăn lại. Cơm cháy bò kho cũng ngon, thịt bò làm sốt vang là dẻ sườn với gân, giống hệt mẹ hay nấu. Rau cải thái mỏng nấu canh thịt băm nóng hổi và có vị gừng. Củ niễng xào trứng – tôi quyết định đưa món này vào thực đơn hàng ngày của nhà mình. Chân giò luộc kiểu Hà Nội thì không ngon, lại bày lá tía tô thái nhỏ – tôi chưa ăn 2 thứ này với nhau bao giờ,… Chính phần ăn uống lại khiến tôi “hoài cổ” hơn cả, vì tên gọi và hương vị các món ăn gợi nhắc đến những bữa cơm của hai cô con gái nhỏ cùng bố mẹ những ngày tháng xa xưa. Ngày ấy chúng tôi chẳng hình dung đươc bố mẹ vất vả thế nào để nấu được cho chúng tôi những bát cơm canh ngon ngọt, chẳng hiểu hết lòng mẹ đợi con về ăn cơm, bày lại thức ăn vào bát đĩa mới và đun nóng lại canh cho chúng tôi vào những ngày đông lạnh…

Bữa cơm rất dễ chịu, chắc chắn lần tới sẽ đưa các cụ lên đây. Con phố này nằm sâu và vắng vẻ. Quán nhỏ. Bảng đen viết phấn nguệch ngoạc “Bãi đỗ xe mậu dịch”. Một không khí khá phù hợp với sự nhớ nhung. Giống như lần ăn mì vằn thắn ở Mỳ Xưa, có lẽ chính sự chăm chút, có lòng của người lập ra quán ăn này là thứ khiến tôi muốn quay lại.

 

Đóa hoa Pháp

Trên chuyến tàu Lào Cai – Hà Nội, chúng tôi ở chung toa với 2 cậu bé người Pháp, bố mẹ hai bạn ở toa bên cạnh. 2 bạn này rất lịch sự, cậu anh có vẻ thanh niên hơn, chỉ giao tiếp khi cần thiết, còn cậu bé em tầm 8 – 9 tuổi luôn có vẻ quan tâm đến người khác, chăm lo cho anh đồng thời thu xếp sao cho không làm phiền đến người đi cùng là chúng tôi.

Nhưng gây ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là cô bé em của hai bạn này. Sáng sớm hôm sau, cô bé gõ cửa vào để gọi hai anh dậy. Cô bạn nhỏ tầm 6 – 7 tuổi, tóc ngắn ngang vai, loăn xoăn màu vàng rơm, áo trắng và nụ cười sáng rỡ. Em cười chào chúng tôi, thì thầm hỏi giờ tàu, lần lượt gọi hai anh, rồi trước khi ra lại chào lần nữa, lịch sự nhưng ấm áp, không kiểu cách như mấy gia đình người Pháp bọn tôi gặp trên Sapa. Em không phải là một cô bé xinh đẹp, nhưng tươi tắn và duyên dáng,  dường như sự duyên dáng đã có sẵn trong em và cứ tỏa ánh sáng một cách tự nhiên vậy.

Khi xuống sân ga, tôi nhìn thấy em đứng cùng gia đình ở phía xa, nổi bật vì màu áo trắng, mái tóc vàng đã búi gọn lại và nụ cười vẫn nở trên môi. Nhìn em tôi cảm thấy trìu mến như bước ra đường vào một buổi sáng nắng trong.