Những người qua đường
Chị bán bánh dầy giò
Thành thói quen, khi nào muốn ăn sáng bánh dầy giò thì tôi sẽ ghé vào cái gánh nhỏ của chị. Lúc nào chị cũng ngồi ở vị trí đó, kể từ lần đầu tiên tôi mua cách đây hai năm. Chắc vì vị trí đó tốt, qua ngã ba một tí, trước trạm xe bus một tí. Có hôm xuất hiện chú xe ôm, hôm một gánh hàng khác. Cái gánh của chị gồm 2 cái thúng và một biển ghi “Cơm nắm – Bánh dầy giò” đánh chữ in hoa cẩn thận. Hôm nào mưa có thêm cái màn che bằng nilon, treo lên dây thép của hai cái thúng, vén ra được để lấy đồ, giống cái màn của bà ngoại tôi xưa. Không biết ai nghĩ ra mô hình này trước nhất, nhưng bây giờ tất cả các bà các cô bán loại quà sáng này đều copy y hệt. Có lẽ khác nhau là ở những thứ bánh bán kèm. Tôi nói có lẽ, vì tôi chỉ mua bánh của chị này, tôi quen ở đâu dễ chịu rồi thì khó bỏ. Chị bán thêm bánh khoai, bánh rán, bánh nếp, trừ bánh khoai còn toàn là thứ tôi thích.
Trên đường đi làm của tôi còn có một chị cơm nắm – dầy giò nữa, cách chị tôi quen mua vài trăm mét. Nhưng chị này chọn chỗ kém hơn, ngay trước một cái đèn đỏ, bất tiện nếu phải dừng lại giữa dòng người ùn ùn giục giã, nên tôi chưa bao giờ mua. Một lý do nữa, là trông chị này ngồi co ro, mặt đăm đăm có vẻ khổ sở. Chị tôi quen thì tươi tỉnh, nhanh nhẹn, chỉ mất 1-2 phút là bán xong cho một người, lại biết cách tách bánh, cắt giò và kẹp giò rất khéo, không phải động tay vào nên người mua có cảm giác sạch sẽ hơn (chứ tôi cũng biết thừa bây giờ cái gì ăn ngoài đường cũng bẩn). Chị còn giỏi nhận ra khách quen. Tôi cũng không hiểu được vì sao dù tôi có che khẩu trang, đi xe khác, thì dừng lại vẫn thấy chị đon đả: “Dầy giò à?”. Đúng như các cụ nói là có duyên bán hàng, chị cũng đắt khách hơn chị kia.
Tôi cũng chưa bao giờ nán lại chuyện trò gì hơn. Có những mối quan hệ mua – bán hết sức đơn giản như vậy, thế mà cũng kéo dài hơn hai năm nay. Nhìn chị ăn vận sạch sẽ giản dị, có vẻ tươi tắn, tôi nghĩ có thể chị có một ông chồng biết làm ăn và những đứa con ngoan. Không như vài người bán hàng tôi quen, trong gia đình chỉ có vợ chạy chợ kiếm tiền, chồng ở nhà chơi bời, cờ bạc, nghiện hút, mà các bà vợ vẫn cứ cam chịu cái số kiếp ấy, vẫn cứ nai lưng ra. Có một chị bán bỏng ngô trước cổng trường Khương Thượng. Ngày trước còn đi học cấp 2, cấp 3, tôi hay mua vì bỏng của chị rất ngon. Bây giờ vẫn thấy chị đứng đấy, giữa mấy chị bỏng khác, đen đúa, già nua và khắc khổ đi nhiều lắm. Không biết những chuyện gì đã xảy ra trong cuộc sống của chị.
Nhiều lúc tôi bị ngợp trong cảm giác bao nhiêu người đang đi lại trước mặt mình đây, mỗi người một cuộc đời. Nếu những gì tôi biết về những người quen sơ sơ hay những bạn bè trên facebook chỉ là phần nổi của tảng băng, thì những lời chào hỏi, những nụ cười lướt qua trên đường chỉ là những màu sắc nhỏ nhoi lóe lên của cả một số phận.
Rồi sẽ có lúc, có thể chị bánh dầy giò muốn chuyển chỗ bán và đi mất. Chắc tôi sẽ tìm được một gánh hàng khác để mua. Nhưng tôi sẽ tiếc, vì tôi thích những người như chị, để được dấu ấn dù rất nhẹ trong cuộc sống của người khác. Còn hơn những người qua đường chỉ đơn giản lướt ngang qua nhau.