Tôi thấy buồn rầu suốt từ chiều qua, khi nghe tin về cái chết của anh. Tôi không thần tượng anh, nhưng những cảm xúc từ các bài hát của Bức Tường gắn liền với thời sinh viên kiến trúc thành một phần không tách rời. Cái thời mà như một bạn tôi nói, “cơ cực và ngây ngô”. Nghe lại Mắt đen, Bông hồng thủy tinh là lại thấy những đêm trắng nóng bức, kỳ cạch chạy lụt bên máy tính. Mấy lần đi xem Bức Tường hát, cùng hát theo các anh vì vui sướng, vì dại khờ, vì tuổi trẻ. Anh mất, thì những kỷ niệm ấy bỗng nhiên chấn động và rạn vỡ.
Tôi rất buồn, như mỗi lần thấy một cuộc đời dang dở.
Tôi lại suy nghĩ như bao nhiêu lần, về sự tàn nhẫn của bệnh tật, của cái chết. Khi người ta vẫn còn nguyên khối óc và trái tim, bao yêu thương, bao dự định với cuộc sống, thì cái chết đến đặt dấu chấm hết lạnh buốt. Tôi có thể đã nghe nhiều lời nói về sống – chết, cảm thấy như mình đã bắt đầu hiểu để có thể chấp nhận nó. Nhưng trước cái chết vừa diễn ra ngay trước mắt, tôi vẫn chỉ còn sự đau buồn bản năng, sự sợ hãi trước bí mật to lớn không thể biết của cõi đời. Những trang giấy còn nét bút, những tấm ảnh còn nụ cười, những bài ca còn giọng hát, nhưng người thì vĩnh viễn mất đi. Với tôi đó vẫn luôn là một nỗi xót xa.
Những người mất đi, luôn để lại một khoảng trống. Dù thời gian có xoa dịu đến đâu, thì khoảng trống ấy không thể nào lấp đầy được, vẫn là những tổn thương yếu mềm trong lòng người ở lại, mà ta phải cố gắng lấy những kỷ niệm tươi đẹp trước kia, hay những bận bịu hàng ngày để tạo thành lớp vỏ mỏng che chở cho vết thương ấy.
Giống như nếu một tinh cầu tắt đi giữa vụ trụ rộng lớn, bụi sao sẽ vĩnh viễn quyến luyến bên khoảng không gian mà tinh cầu ấy đã từng chiếm lĩnh.