Cửa hàng ăn mậu dịch
Chúng tôi đến quán ăn mậu dịch không phải vì “say mê nung nấu” (như một cuốn sách đã viết). Vì thế hệ của tôi lớn lên vào những năm cuối của thời bao cấp, không biết đến xếp hàng hay tem phiếu, hầu như không nhớ gì cả. Những gì còn sót lại về cả một thời kì ấy với tôi chỉ là “gạo mậu dịch”, thứ gạo rất xấu, cái chăn nghèo may bằng vô số mảnh vải vụn tôi lại thấy đẹp (mà bây giờ người ta lại làm và bán khá đắt).
Thế nên giữa không gian tập trung đậm đặc bao nhiêu đồ đạc “bao cấp”, tôi không có được cảm giác bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa, không thấy mỗi đồ vật gợi lên một câu chuyện, cảm giác nhìn lại cuộc sống khó khăn đã qua mà chắc là thế hệ bố mẹ tôi sẽ cảm thấy. Chỉ là vui vui khi gặp lại những hình ảnh quen thuộc thời thơ bé. Những cái mâm nhôm, bát sắt tráng men, cái quạt cái đèn cũ,.. Lúc phát hiện ra cái bàn ăn cũng được kê trên chân máy khâu cũ mới thấy sự kì công của chủ nhà, mà tiếc là tôi không đủ kỉ niệm để hiểu hết (chỉ ước gì hồi trước mẹ có được cái máy khâu, không phải cặm cụi khâu tay cho chúng tôi nào áo nào váy).
Không biết có phải buổi tối hôm đó vui không, mà tôi thấy món gì cũng ngon. Ở đậy phục vụ những món bình thường như hàng cơm bình dân, nhưng nóng hổi và thơm ngon hơn. Món đầu tiên tôi gọi là dưa xào tóp mỡ – món ưa thích của tôi hồi bé, dễ phải gần 20 năm không ăn lại. Cơm cháy bò kho cũng ngon, thịt bò làm sốt vang là dẻ sườn với gân, giống hệt mẹ hay nấu. Rau cải thái mỏng nấu canh thịt băm nóng hổi và có vị gừng. Củ niễng xào trứng – tôi quyết định đưa món này vào thực đơn hàng ngày của nhà mình. Chân giò luộc kiểu Hà Nội thì không ngon, lại bày lá tía tô thái nhỏ – tôi chưa ăn 2 thứ này với nhau bao giờ,… Chính phần ăn uống lại khiến tôi “hoài cổ” hơn cả, vì tên gọi và hương vị các món ăn gợi nhắc đến những bữa cơm của hai cô con gái nhỏ cùng bố mẹ những ngày tháng xa xưa. Ngày ấy chúng tôi chẳng hình dung đươc bố mẹ vất vả thế nào để nấu được cho chúng tôi những bát cơm canh ngon ngọt, chẳng hiểu hết lòng mẹ đợi con về ăn cơm, bày lại thức ăn vào bát đĩa mới và đun nóng lại canh cho chúng tôi vào những ngày đông lạnh…
Bữa cơm rất dễ chịu, chắc chắn lần tới sẽ đưa các cụ lên đây. Con phố này nằm sâu và vắng vẻ. Quán nhỏ. Bảng đen viết phấn nguệch ngoạc “Bãi đỗ xe mậu dịch”. Một không khí khá phù hợp với sự nhớ nhung. Giống như lần ăn mì vằn thắn ở Mỳ Xưa, có lẽ chính sự chăm chút, có lòng của người lập ra quán ăn này là thứ khiến tôi muốn quay lại.